Năm 2016, Pháp và Australia ký một hợp đồng được báo chí Pháp đánh giá là “hợp đồng thế kỷ”, theo đó các tập đoàn quốc phòng hàng đầu của Pháp sẽ đóng mới 12 tàu ngầm động cơ diesel-điện cho Australia, nhằm thay thế các tàu ngầm lớp Collins của Australia, vốn bị đánh giá là thiếu khả năng chiến đấu trong môi trường công nghệ ngày càng cao.

Khi đó, tập đoàn Naval Group (vào lúc đó vẫn mang tên là DCNS) đã phải cạnh tranh hết sức gay gắt với hai đối thủ lớn khác là tập đoàn TKMS của Đức và liên doanh Mitsubishi/Kawasaki của Nhật. Vào thời điểm đó, hầu như toàn bộ ban lãnh đạo cấp cao của Pháp, bao gồm cả Tổng thống Pháp khi đó là Francois Hollande và đặc biệt là ông Jean-Yves Le Drian, khi đó đang là Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, đã tham gia vào các nỗ lực vận động của Pháp.

Sau 14 tháng cạnh tranh, mẫu tàu ngầm của Pháp, được thiết kế dựa trên lớp tàu ngầm Barracuda hiện đại nhất của Pháp, được phía Australia lựa chọn. Chỉ khác là Australia đã yêu cầu động cơ diesel-điện chứ không phải động cơ hạt nhân như các tàu ngầm lớp Barracuda của Pháp.

Mẫu tàu ngầm này, được đặt tên là lớp Attack, được đóng theo yêu cầu riêng của phía Australia, dài 97m, lượng giãn nước 4.500 tấn, tức gấp đôi mẫu tàu ngầm hạng nhỏ rất nổi danh của Pháp là Scorpene (2.000 tấn) và hơn 1.000 tấn so với các tàu ngầm lớp Collins đang trong biên chế Hải quân Hoàng gia Australia. Lượng giãn nước và kích thước lớn hơn này cho phép tàu ngầm lớp Attack bố trí lượng vũ khí nhiều hơn, bao gồm 4 loại vũ khí tác chiến (chống ngầm, phòng không, tấn công mặt đất và chống tàu mặt nước).

Ngoài ra, tàu ngầm lớp Attack cũng được trang bị khoang phóng cho các thiết bị không người lái dưới nước. Đặc biệt, tàu ngầm lớp này được trang bị các sonar cảm biến của tập đoàn Thales, được cho là thuộc dạng tốt nhất thế giới trong phân khúc tàu ngầm thông thường.

Tuy nhiên, tất cả các ưu điểm công nghệ và khả năng tác chiến trên mới chỉ là trên lý thuyết, bởi thực tế sau đó cho thấy, phía Pháp gặp rất nhiều khó khăn khi bắt tay vào thiết kế một mẫu tàu ngầm hoàn toàn mới theo các yêu cầu của riêng Australia, và dù có nhiều ưu thế công nghệ so với các tàu lớp Collins của Australia, nhưng tàu ngầm lớp Attack không thể có các thế mạnh của tàu ngầm mang động cơ hạt nhân, đó là khả năng lặn sâu trong thời gian dài với phạm vi tác chiến gần như không giới hạn.

Thiệt hại từ thất bại của thương vụ tàu ngầm

Con số thiệt hại của việc Australia hủy hợp đồng thế kỷ này đã được nói đến rất nhiều trong những ngày qua. Ban đầu hợp đồng này có trị giá 31 tỷ euro vào năm 2016 nhưng do bị đội giá cũng như việc trượt giá trong vài năm qua, tổng giá trị hợp đồng lên tới 56 tỷ euro.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Pháp đã mất toàn bộ 56 tỷ euro. Trên thực tế, con số 56 tỷ euro là tổng số tiền được cam kết của hợp đồng này trong vài thập kỷ, còn số tiền Pháp thực nhận khi ký hợp đồng chỉ là 8 tỷ euro. Pháp phải chuyển giao công nghệ và cam kết chi toàn bộ số tiền còn lại cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, duy trì bảo dưỡng…. trên đất Australia. Tất nhiên, chỉ con số 8 tỷ euro mất đi cũng đã là rất lớn.

Theo báo chí Australia, kể từ khi ký hợp đồng vào năm 2016 và bắt tay vào thực hiện hợp đồng, phía Australia đã chi khoảng 1,5 tỷ euro, trong đó phía tập đoàn Naval Group của Pháp nhận 900 triệu euro, phần còn lại thuộc về tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ, vốn phụ trách xây dựng hệ thống chiến đấu cho các tàu ngầm Australia.   

Việc hủy bỏ “hợp đồng thế kỷ” sẽ gây thiệt hại kinh tế cho cả Pháp và Australia. Phía tập đoàn Naval Group đang có khoảng hơn 600 kỹ sư làm việc cho dự án này, phía Australia là khoảng gần 400 người, tại cả cảng Cherbourg ở miền Bắc Pháp lẫn cảng Adelaide ở Australia. Các lao động này đương nhiên sẽ đứng trước nguy cơ thất nghiệp tạm thời. Ngoài ra, hàng nghìn việc làm khác tại các nhà thầu phụ ở cả hai nước cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Về mặt đền bù hợp đồng, các luật sư hai bên sẽ phải tiến hành các cuộc chiến pháp lý kéo dài và phức tạp trong thời gian tới. Theo báo chí Australia, nhiều khả năng phía Australia sẽ phải bồi thường khoảng 400 triệu euro. Con số này tương đối nhỏ nếu so với tổng giá trị hợp đồng, và càng không đáng kể nếu xét đến các lợi ích công nghệ và địa chính trị mà Australia hướng đến khi nhận tàu ngầm động cơ hạt nhân của Anh-Mỹ trong liên minh Aukus.

Trên thực tế, phía Australia cũng đã tính toán dừng sớm để tránh việc phải chi quá nhiều tiền cho các giai đoạn tiếp theo vì theo dự tính, nếu không có việc phá bỏ hợp đồng thì trong vài tháng tới Australia sẽ phải chi tiếp 3 tỷ euro cho việc thiết kế lớp tàu ngầm Attack./.