Theo giới quan sát, đây là bước đi Nga mong đợi từ lâu, đồng thời phản ánh sự thay đổi chiến lược của Mỹ đối với cuộc nội chiến kéo dài hơn 6 năm qua tại quốc gia Trung Đông Syria.

binh_sy_my_o_syria_kuqh.jpg
Binh sỹ Mỹ đi qua một ngôi làng miền Bắc Syria hồi tháng 6/2017. (Ảnh: AFP)

Theo truyền thông Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra quyết định cách đây gần 1 tháng, sau cuộc gặp với Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster.

Chương trình hỗ trợ cho lực lượng đối lập Syria bắt đầu từ thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barak Obama vào năm 2013, nhằm gây sức ép buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức.

Chỉ 3 tháng trước đây khi Mỹ cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học, Tổng thống Trump đã ra lệnh tiến hành các cuộc không kích nhằm vào căn cứ không quân của chính phủ Syria.

Tuyên bố của Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley rằng “sẽ không có hòa bình tại khu vực mà Tổng thống Assad là người đứng đầu” cho thấy quyết tâm của chính quyền Mỹ loại bỏ Tổng thống Syria.

Tuy nhiên, với quyết định chấm dứt chương trình hậu thuẫn cho phe đối lập Syria, sự can dự của Mỹ vào Syria hiện chỉ bao gồm chiến dịch không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và chương trình đào tạo do Bộ Quốc phòng Mỹ tiến hành hỗ trợ cho lực lượng người Kurd chống IS tại Raqqa và một số khu vực khác.

“Xoay trục” sang IS?

Giới quan sát cho rằng, bước đi này phản ánh quan tâm của chính quyền Mỹ tìm kiếm các biện pháp để hợp tác với Nga, đồng khẳng định trọng tâm của Mỹ ở Syria nên là tiêu diệt IS, thay vì chống chế độ Tổng thống Assad.

“Chúng ta sẽ sớm thấy kết quả trong cuộc chiến chống IS”, Tổng thống Trump khẳng định. “Những nỗ lực của Mỹ cũng như quốc tế trong cuộc chiến chống IS đang được thực hiện rất tốt và hiệu quả. IS đang thất thế và chúng sẽ nhanh chóng thất bại”.

Bước đi này của Mỹ ngay lập tức vấp phải những phản ứng trái chiều trong dư luận Mỹ. Một số người cho rằng, đây là sự nhượng bộ lớn của Mỹ với Nga tại Syria  và có thể  ảnh hưởng đến vai trò của Mỹ trong cuộc chiến tại Syria.

Charles Lister, chuyên gia viện nghiên cứu Trung Đông có trụ sở tại Mỹ cho rằng, quyết định của Mỹ dừng hỗ trợ cho phe đối lập Syria cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của một số nước trong khu vực đang hỗ trợ cho lực lượng đối lập Syria. Bước đi này nằm trong chiến lược của Nga từ lâu và giúp củng cố ưu thế của chính phủ Syria trước lực lượng đối lập.

Cái gật đầu với thực tế

Tuy nhiên một số người lại cho rằng, quyết định của Tổng thống Trump là “cái gật đầu với thực tế”.

Chính sách hỗ trợ lâu dài của Mỹ đối với lực lượng đối lập Syria thời gian qua đã không mang lại hiệu quả, khi chính phủ của Tổng thống Assad, với sự hỗ trợ đắc lực của Nga, đang giành thắng lợi lớn trước phe đối lập. Các nước phương Tây và đồng minh của Mỹ cũng đang dần từ bỏ điều kiện tiên quyết buộc Tổng thống Tổng thống Syria Ba-sa An Assad phải từ chức trong việc tìm giải pháp cho cuộc nội chiến Syria.

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tác chiến Đặc biệt của quân đội Mỹ, Tướng Raymond Thomas hôm qua khẳng định, việc kết thúc chương trình kéo dài 4 năm này không phải là cách để xoa dịu Nga nhằm nhận được sự ủng hộ của Nga đối với lệnh ngừng bắn ở khu vực Tây Nam Syria. Theo ông, đây là một "quyết định rất khó khăn", dựa trên đánh giá về bản chất của chương trình, về những gì CIA tìm cách thực hiện và tính khả thi của nó.

Theo giới quan sát, bước đi này cũng nằm trong chiến lược lâu dài của Tổng thống Trump là sau khi đánh bại IS sẽ tập trung vào việc thúc đẩy hàng loạt các thỏa thuận ngừng bắn khu vực đạt được giữa lực lượng đối lập, chính phủ Syria và Nga.

Không từ bỏ hoàn toàn kế hoạch hậu thuẫn cho phe đối lập, Mỹ sẽ ủng hộ  mạnh mẽ cho Jordan - quốc gia đang đào tạo một số lực lượng đối lập Syria. Đây cũng được coi là sự “mặc cả” để tìm kiếm sự nhượng bộ hơn nữa từ phía Nga trong các cuộc đàm phán về tương lai Syria./.