Việc quân đội Iraq chiếm lại được thành phố Ramadi - thủ phủ tỉnh Anbar, vào cuối tháng 12/2015 là thắng lợi lớn nhất trong chuỗi các thắng lợi gần đây của các lực lượng Iraq chống IS. Các quan chức chính quyền Iraq tỏ ra vô cùng phấn chấn về chiến thắng này, coi đó là một chiến thắng mang tính chiến lược, có thể nâng cao tinh thần chiến đấu của quân đội.
Một binh sĩ Iraq thuộc lực lượng tinh nhuệ chống IS cầm cờ Iraq tại thành phố Ramadi. Ảnh: Getty. |
Thế nhưng các chuyên gia về quốc phòng cảnh báo rằng còn quá sớm để nói về một bước ngoặt trong cuộc chiến chống IS - tổ chức khủng bố hiện vẫn kiểm soát một vùng rộng lớn cả ở Iraq và Syria, trong đó có nhiều đất của tỉnh Anbar và thành phố lớn đông dân Mosul ở miền bắc Iraq.
“Sự phóng đại”
Ben Connable, một cựu sĩ quan tình báo thuộc lực lượng thủy quân lục chiến từng hoạt động ở Iraq và nay tham gia vào cơ sở nghiên cứu Rand Corp, nói: “Đây là một thắng lợi chiến thuật đáng kể. Nhưng thực sự thì người ta mới chỉ trở lại vị trí mà họ giữ cách đây 6 tháng. Cho nên nếu gọi đây là một chiến thắng chiến lược trước IS thì tôi cho rằng đó hoàn toàn là một sự phóng đại”.
Quân đội Iraq tiến vào trung tâm thành phố Ramadi sau khi chiếm dần vùng ngoại vi. Sau một tuần giao tranh dữ dội họ mới làm chủ được khu phức hợp của chính quyền ở Ramadi.
Các quan chức Iraq và Mỹ cho biết, trước lúc tiến quân, tất cả các cây cầu dẫn tới Ramadi đều đã bị phá hủy. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS dựng chướng ngại vật và chôn mìn ở mọi con phố. Ngoài ra quân đội Iraq khi ấy còn phải đối phó với các ổ bắn tỉa và các đội súng cối của IS.
Trong một thông cáo, Đại tá Steven Warren, phát ngôn viên của lực lượng Mỹ ở Iraq nói: “Việc giải phóng được khu trung tâm chính quyền [ở Ramadi] là một thắng lợi đáng kể và là kết quả của nhiều tháng chuẩn bị kỹ càng”.
Ông này cho biết liên minh do Mỹ đứng đầu bao gồm các nước lớn ở châu Âu và Trung Đông, đã tiến hành hơn 630 vụ không kích trong khu vực này, giúp huấn luyện và tư vấn cho các đơn vị Iraq. Họ cũng đóng góp thiết bị chuyên dụng cho việc rà phá thuốc nổ.
Ông Warren bổ sung thêm: “Sau khi chiếm được khu trung tâm, việc tiếp theo là rà soát từng khối nhà, dọn sạch bom mìn gài lại cũng như các ổ đề kháng nhỏ. Điều này có thể rất mất thời gian. Ramadi là một đô thị tương đối lớn, dân cư đông đúc. Mỗi căn nhà đều có thể ẩn chứa một quả bom”.
Thành phố được giải phóng có thể đóng vai trò làm bàn đạp quan trọng cho lực lượng Iraq tái chiếm các khu vực khác ở thung lũng sông Euphrate màu mỡ và trải dài từ ngoại ô Baghdad tới biên giới Syria và tiến lên phía bắc, hướng về thành phố Mosul.
Ý nghĩa chính trị
Theo các quan chức Mỹ, chiến thắng trong ngày 28/12/2015 có ý nghĩa quan trọng không chỉ về quân sự mà còn về mặt biểu tượng và chính trị.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói: “Cuộc chiến lấy lại Ramadi cho thấy các lực lượng địa phương một khi có năng lực, có động lực, lại được liên quân yểm trợ bằng không quân và hỗ trợ công tác huấn luyện thì có thể đánh bại được IS”.
Ông Carter nói thêm: “Điều quan trọng đối với chính phủ Iraq hiện nay là phải phối hợp với giới chức tỉnh và địa phương để chớp lấy cơ hội duy trì hòa bình ở Ramadi, ngăn ngừa sự quay trở lại của IS và các nhóm cực đoan khác, đồng thời hỗ trợ cho các cư dân Ramadi quay trở về thành phố”.
Một thông cáo của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Mỹ và liên minh chống IS do nước này đứng đầu đã cam kết hơn 50 triệu USD cho quỹ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc nhằm hỗ trợ tái thiết và lập lại sự ổn định ở các khu vực mới giành lại được từ tay IS.
Một phần sức mạnh của IS nằm ở khả năng của tổ chức này trong việc chiêu mộ các chiến binh ngoại háo hức đến gia nhập “vương quốc caliphate” tự phong của nhóm khủng bố này. Theo Stephen D. Biddle, một chuyên gia chính sách quốc phòng tại Đại học George Washington, việc chiêu mộ này giờ khó khăn hơn trước do “vương quốc caliphate” đó đang co ngót lại hơn là phình ra.
Biddle nói: “Đây không phải là lần đầu tiên chúng mất đất, nhưng đó là lần đầu tiên chúng mất một thành phố lớn”.
Trong khi đó, nhóm IS không thừa nhận thất bại. Một trang web liên kết của IS hôm 28/12/2015 phủ nhận các tuyên bố của Iraq về việc đã giải phóng khu trung tâm Ramadi, mà đấy là do IS đã chủ động phá hủy khu phức hợp này từ nhiều tháng trước.
“IS chưa thể sụp trong ngày một ngày hai”
Việc dần dần mất lãnh thổ sẽ làm sứt mẻ hệ thống thuế của IS – một trong các nguồn thu chính của lực lượng này. Điều đó có thể làm suy mòn khả năng của IS tiến hành các chiến dịch quân sự, và do vậy chúng sẽ lại càng có nguy cơ mất thêm đất.
Thế nhưng chuyên gia quân sự Biddle cho biết ông sẽ rất ngạc nhiên nếu IS sụp đổ ngay. “Đây không phải là cuộc chiến tranh chớp nhoáng”.
Trong khi đó Connable lưu ý rằng chính quyền Iraq vẫn còn đang phụ thuộc đáng kể vào lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố. Lực lượng này tỏ ra hiệu quả trên chiến trường nhưng vì có số lượng ít nên họ lại được điều đi chỗ khác thực hiện các chiến dịch mới và không thể giữ được những lãnh thổ đã chiếm lại được.
Theo Đại tá Warren, ở tỉnh Anbar, chính quyền Iraq vừa xây dựng lực lượng cảnh sát địa phương vừa lên kế hoạch sử dụng các chiến binh bộ tộc Sunni từng được liên minh quốc tế huấn luyện.
Quân đội Mỹ đã sử dụng hiệu quả chiến lược này khi họ chiến đấu với tiền thân của IS là al-Qaeda ở Iraq.
Nhưng hiện nay, Connable nói, số lượng người Sunni sẵn lòng theo chính quyền Iraq (do người Shiite nắm giữ) chỉ là một phần nhỏ giống như trong một thập kỷ qua.
Vì sao khủng bố Hồi giáo cực đoan lại tàn độc, khó trị, và dai dẳng?
Một mặt, Connable ca ngợi quyết định của Thủ tướng Iraq Abadi không sử dụng lực lượng dân quân Shiite được Iran hậu thuẫn - lực lượng này tỏ ra là một lực lượng mạnh ở một số khu vực của Iraq nhưng lại bị tố là đã tấn công trả thù các nhóm Sunni. Mặt khác, ông hoài nghi khả năng của quân đội chính quy Iraq cũng như các chiến binh bộ lạc Sunni trong việc đương đầu với các cuộc tấn công mới từ phía IS – đây là vấn đề tồn tại đã lâu ở những vùng mới giải phóng khỏi IS.
Connable nói: “Việc IS bị đẩy ra khỏi Ramadi không có nghĩa là chúng không quay trở lại”./.