Biến đổi khí hậu 

Biến đổi khí hậu (BĐKH) Trái Đất là sự thay đổi mang tính thống kê trong một giai đoạn nhất định của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển, băng quyển hiện tại và trong tương lai do các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo. Sự thay đổi những chỉ số gốc của một trong hai môi trường quan trọng là vật lý hoặc sinh học mang tính tiêu cực và có tác động xấu, khó có thể phục hồi đến đời sống tự nhiên cũng như sinh hoạt chung của hệ động vật sinh thái và con người.

Cụm từ "Tình trạng khẩn cấp về khí hậu" đã được từ điển tiếng Anh uy tín hàng đầu thế giới Oxford chọn là “cụm từ của năm 2019”, do BĐKH không còn là mối nguy cơ, không còn là chuyện tương lai, mà là những gì người dân trên toàn thế giới, cả các nước phát triển lẫn nước nghèo, đã và đang phải hứng chịu hàng ngày. Nguyên nhân chính làm BĐKH Trái Đất là thay đổi bức xạ khí quyển, bao gồm các quá trình như biến đổi bức xạ mặt trời, độ lệch quỹ đạo của Trái Đất, quá trình kiến tạo núi, trôi dạt lục địa và thay đổi nồng độ khí nhà kính …

Biểu hiện dễ nhận thấy của BĐKH là sự nóng lên toàn cầu; chất lượng khí quyển gây hại cho môi trường sống của con người và động vật; mực nước biển dâng cao dẫn đến ngập úng các vùng đất thấp; sự dịch chuyển của các đới khí hậu; sự thay đổi cường độ hoạt động của hoàn lưu khí quyển, chu trình sinh địa hoá và tuần hoàn nước trong tự nhiên, năng suất sinh học của hệ sinh thái, thành phần của sinh quyển, thuỷ quyển, địa quyển...

1_cbvw.jpg
Thời tiết ngày càng trở nên cực đoan do biến đổi khí hậu; Nguồn: time.com

Trong những năm gần đây, BĐKH thường được gọi chung bằng hiện tượng nóng lên toàn cầu, mà hậu quả nhãn tiền của nó là hệ sinh thái bị phá hủy; mất đa dạng sinh học; ảnh hưởng kinh tế; dịch bệnh; hạn hán hay bão lụt; núi băng và sông băng đang bị “teo nhỏ”; hiệu ứng nhà kính; mực nước biển dâng… và chiến tranh-xung đột. BĐKH gây ra những ảnh hưởng xấu đến thành phần, khả năng phục hồi hoặc sinh sản của các hệ sinh thái tự nhiên cũng như hoạt động của các hệ thống kinh tế - xã hội, sức khỏe và phúc lợi của con người.

Hệ lụy về mặt an ninh-quốc phòng

Theo các nhà khoa học và chuyên gia an ninh, trong thế kỷ này, bão, hạn hán, lũ lụt, nhiệt độ nóng hoặc lạnh cực đoan do BĐKH có thể hủy hoại tài sản, tàn phá cây trồng, buộc nhiều người rời bỏ nơi sinh sống, di cư ồ ạt dẫn đến đấu tranh sinh tồn, làm gia tăng nguy cơ xung đột. Đối với các lực lượng vũ trang, BĐKH hiện được xem là mối đe dọa trong hoạch định chiến lược. Tại nhiều quốc gia, các nhà phân tích quân sự đã liệt BĐKH vào danh sách mối đe dọa an ninh trong chương trình xử lý khủng hoảng.

BĐKH gây ra những hiện tượng như mưa lớn, lũ lụt, hạn hán, môi trường bị tàn phá, gây ô nhiễm và sự xói mòn đất, ảnh hưởng têu cực lên thời vụ, và cuối cùng ảnh hưởng rất lớn tới an ninh lương thực. Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), giá lương thực đã tăng 33% kể từ tháng 7/2010 và tiến gần đến mức đỉnh của năm 2008. Tình hình dự trữ lương thực trên thế giới vẫn đáng báo động, chủ yếu là do thiên tai - yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giá lương thực, thực vật không phát triển gây ra đói kém và xung đột cũng dễ bùng phát.

Theo New Scientist, một nhóm nghiên cứu đã ghi nhận mối liên hệ chặt chẽ giữa nhiệt độ và nguy cơ xung đột vũ trang. Trong các giai đoạn có nhiệt độ trung bình tăng, số lượng các cuộc chiến cũng leo thang. Có bằng chứng cho thấy, hiện tượng ấm lên toàn cầu là nguyên nhân dẫn đến một số vụ xung đột ở bắc Nigeria, Sudan và Kenya... Các tính toán dựa trên mô hình khí hậu cho thấy, nguy cơ chiến tranh sẽ tăng lên 54% trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2030. Các chuyên gia cũng chỉ ra mối nguy hiểm của việc BĐKH sẽ dẫn đến sự bất ổn chính trị gia tăng, khủng hoảng kinh tế và thiếu nước - điều biến xung đột ở Bắc Phi và Trung Đông có thể sẽ leo thang thành chiến tranh.

Bắc Cực được cho là chứa tới một phần tư lượng hydrocarbon chưa được khám phá trên toàn thế giới; khi băng ở Bắc Cực tan, sẽ có nhiều tuyến đường hàng hải được hình thành tại khu vực này. Trung Quốc và Nga sẽ đầu tư nhiều hơn vào đó, sự cạnh tranh giữa các quốc gia sẽ gia tăng. Lầu Năm Góc đã thay đổi chiến lược đối với Bắc Cực và tiến hành các cuộc tập trận trong khu vực, giám sát các hoạt động dưới nước của Nga, hợp tác với Canada huấn luyện ở Alaska, và đang nghĩ tới việc sử dụng các lò phản ứng hạt nhân di động.

Biến đổi khí hậu kéo theo một loạt hệ lụy đối với cuộc sống con người; Nguồn: 3cea.ie

Mực nước biển dâng cao là một trong những lý do ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người, gây ra sóng thần, động đất và thu hẹp diện tích đất nổi. Theo báo cáo của các nhà khoa học Mỹ, 1/4 dân số thế giới hiện sống dưới mực nước biển, nếu nước biển tràn vào sẽ gây ngập lụt 3,7 triệu dặm vuông đất đai trên thế giới, còn mực nước biển dâng cao đột ngột 5m thì cuộc sống của 669 triệu người và 2 triệu dặm vuông đất đai sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mực nước biển dâng cao thêm 1m thì có 5,3% diện tích đất, 10,8% dân cư, 10,2% GDP, 10,9% diện tích đô thị, 7,2% diện tích nông nghiệp, và 28,9% diện tích đất trũng bị tác động.

Diện tích đất bị thu hẹp, dân số liên tục tăng, nguồn nước sạch và thức ăn trở nên khan hiếm, nhu cầu không được đáp ứng đầy đủ là nguyên nhân của cạnh tranh, bon chen… gây ra những xung đột nội bộ và chiến tranh diệt chủng. Các cuộc đụng độ vũ trang trong nước khả năng cao sẽ tràn ra khu vực biên giới và gây bất ổn cho toàn bộ khu vực - hiện tượng đã từng lặp lại nhiều lần trong quá khứ.

Các hệ lụy của BĐKH sẽ là "chất xúc tác" gây ra các cuộc nội chiến và bất ổn chính trị toàn cầu. Năm 2015, trong một báo cáo trình lên Quốc hội Mỹ, Lầu Năm Góc đã lấy cuộc nội chiến ở Syria làm ví dụ điển hình cho sự ảnh hưởng của BĐKH lên tình hình chính trị. Theo đó, vào thời điểm 2010, chế độ al-Assad đã đẩy hơn một triệu người Iraq tị nạn vào cảnh "màn trời chiếu đất". Đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 500 năm xảy ra cùng lúc làm tình hình thêm tồi tệ. Do thiếu nước, hàng ngàn người Syria từ nông thôn phải sơ tán tới thành phố, tuy nhiên, vấn đề không được giải quyết. Những cuộc nội chiến thảm khốc nổ ra khiến hàng trăm ngàn người bỏ mạng, làn sóng tị nạn tiếp tục di chuyển sang Trung Đông, châu Âu và làm lung lay trật tự chính trị nước Đức, tiếp thêm căng thẳng giữa Mỹ và Nga.

Cuối tháng 10/2019, theo một báo cáo mới của quân đội Mỹ, BĐKH có thể dẫn đến một kịch bản khủng khiếp cho người dân, bao gồm mất điện kéo dài, bệnh tật, thiếu nước, nạn đói và cả chiến tranh..., tạo ra sự sụp đổ đáng sợ của nước Mỹ trong vòng 20 năm tới. Đối với quân đội Mỹ, sự cố lưới điện quốc gia sẽ dẫn đến tình trạng khẩn cấp, làm suy yếu quân đội, có thể khiến quân đội tan rã. Các cơ sở hạt nhân khi đó có thể phải đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Hiện nước Mỹ có 99 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, cung cấp gần 20% năng lượng cho quốc gia. Nhưng khoảng 60% lò phản ứng nằm ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng do BĐKH, phải đối mặt với những rủi ro lớn như nước biển dâng, bão lũ hoặc thiếu nước. Cùng với mùa đông ấm hơn, những điều kiện mới sẽ thúc đẩy sự sinh sôi của muỗi và bọ ve. Hậu quả là Mỹ sẽ phải chứng kiến các dịch bệnh chưa từng thấy, phạm vi lây lan các căn bệnh xuất hiện với số lượng ít trước đây như Zika, sốt sông Nile, bệnh Lyme và nhiều bệnh khác sẽ rất rộng. BĐKH không chỉ khiến Mỹ cần xây dựng thêm các cơ sở hạ tầng quân sự trong nước, mà còn ảnh hưởng tới cả các quyết định can thiệp quân sự ở hải ngoại.

Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh-quốc phòng; Nguồn: visapourlimage.com

Có dự đoán, năm 2030, khoảng 1/3 dân số thế giới sẽ phải chịu đựng áp lực từ khan hiếm nước tại các khu vực như Bắc Phi, Nam Phi, Trung Đông, Trung Quốc và cả Mỹ; đến năm 2040, nhu cầu nước ngọt trên toàn cầu sẽ vượt quá khả năng cung cấp. Thiếu hụt nước cũng sẽ ảnh hưởng tới hệ thống lương thực toàn cầu, tạo ra những xung đột dân sự và bất ổn xã hội. Hệ thống lương thực toàn cầu đang bị phá vỡ bởi chu kỳ đóng băng nhanh vào mùa xuân và mùa thu, suy thoái đất, cạn kiệt các tầng chứa nước ngầm, dịch bệnh lây lan và thiệt hại cơ sở hạ tầng gây ra bởi lũ lụt. Sự mất ổn định sẽ khiến tỷ lệ tử vong tăng cao ở các khu vực dân số dễ bị tổn thương, yêu cầu trợ giúp nhân đạo phải được triển khai.

Các can thiệp quân sự ở nước ngoài mà Mỹ định thực hiện, đặc biệt là tại các khu vực như Trung Đông và Bắc Phi, sẽ là bất khả thi nếu quân đội không có được các công nghệ phân phối nước mới cho binh sĩ. Quân đội Mỹ không thể thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi phải tiếp nước cho binh sĩ trong điều kiện khô hạn, sẽ phải đầu tư nhiều nguồn lực nếu muốn giải quyết bài toán khó này. Hiện nước chiếm tới 30-40% chi phí cần thiết để duy trì một lực lượng quân đội Mỹ hoạt động ngoài biên giới, Mỹ cần một cơ sở hạ tầng khổng lồ để vận chuyển nước đóng chai đến các đơn vị quân đội.

Vài chục năm về trước, BĐKH từng được coi là mối đe dọa xa vời, chủ yếu ảnh hưởng tới các thế hệ tương lai. Nhưng những gì đang diễn ra cho ta một cái nhìn hoàn toàn khác - BĐKH đã cận kề và đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có. Trong lịch sử loài người, chính trị và kinh tế luôn song hành, do vậy, tác động của BĐKH đối với an ninh quốc gia là không thể phủ nhận. Hiện, mối đe dọa của BĐKH đã vượt qua viễn cảnh chiến tranh hạt nhân để trở thành mối quan tâm cấp bách nhất mà loài người phải đối mặt - chính lời cảnh báo được Juan Santos - cựu Tổng thống Colombia - người đoạt giải Nobel Hòa bình 2016 đưa ra ngày 21/10/2019, tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh tế Xanh Thế giới tại Dubai./.