Mỹ và Philippines ngày 12/4 bắt đầu cuộc tập trận quân sự kéo dài 2 tuần nhằm thể hiện quan hệ liên minh quân sự trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Manila và Bắc Kinh ở Biển Đông.
Việc khôi phục cuộc tập trận thường niên diễn ra trong bối cảnh các quan chức 2 nước mới đây đã thảo luận những căng thẳng ở Biển Đông. Hai bên bày tỏ hy vọng vào tương lai mối quan hệ liên minh – mối quan hệ vốn gặp một số trắc trở do Tổng thống Rodrigo Duterter muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Cuộc tập trận Balikatan năm nay sẽ có sự tham gia của gần 1.000 binh sỹ Mỹ và Philippines, giảm quy mô so với các cuộc tập trận trước đó để phù hợp với các quy định về y tế. Năm 2020, cuộc tập trận này bị hủy do dịch Covid-19.
“Dù cuộc tập trận năm nay có quy mô nhỏ hơn so với trước đó do cuộc khủng hoảng y tế, nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng tới mục đích thực sự của cuộc tập trận Balikatan, đó là nhằm thúc đẩy mối quan hệ quân sự và khả năng phối hợp hoạt động giữa các lực lượng vũ trang 2 nước”, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Philippines Cirilito Sobejena nói trong buổi lễ khai mạc cuộc tập trận ở Trại Aguinaldo, Manila ngày 12/4.
Cuộc tập trận chung, bao gồm các hoạt động huấn luyện an ninh hàng hải, diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc điều hàng trăm tàu tới khu vực tranh chấp ở Biển Đông trong những tuần gần đây.
Mỹ ủng hộ Philipines ở Biển Đông, đồng thời nói rằng một cuộc tấn công vũ trang vào tàu Philippines trong khu vực này sẽ dấy lên phản ứng từ Washington theo Hiệp ước phòng thủ tương hỗ mà 2 bên ký năm 1951.
Bộ Quốc phòng Philippines hoan nghênh sự đảm bảo của Washington và nói rằng nước này sẽ tiếp tục “để ngỏ mọi lựa chọn” trong đó có cả việc nhờ sự trợ giúp của đồng minh Mỹ.
Lầu Năm Góc cho biết, trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin “đã đề xuất một số biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự giữa Mỹ và Philippines, trong đó có cả việc đẩy mạnh nhận thức tình huống về các mối đe dọa ở Biển Đông”.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng trao đổi với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin Jr về các tàu Trung Quốc ở Biển Đông.
“Hai Ngoại trưởng bày tỏ tin tưởng và lạc quan về hợp tác song phương Philippines-Mỹ trong bối cảnh năm nay đánh dấu 75 năm quan hệ ngoại giao giữa 2 nước”, tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Philippines cho biết.
Sự gây hấn của Trung Quốc khiến Mỹ và Philippines tăng cường hợp tác quốc phòng
Vẫn có những bất ổn đằng sau những tuyên bố đầy tự tin của quan chức hai bên. Tổng thống Philippines đầu năm 2020 tuyên bố sẽ muốn hủy bỏ Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) ký kết năm 1998, một yếu tố quan trọng đối với Hiệp ước phòng thủ tương hỗ giữa 2 nước cũng như việc tiến hành các cuộc tập trận chung như Balikatan sau một đồng minh chính trị [của ông Duterte] bị Mỹ từ chối cấp thị thực. Tuy nhiên, sau đó ông Duterte 2 tuyên bố tạm ngưng quá trình hủy bỏ (vào tháng 6 và tháng 11/2020), nên thỏa thuận vẫn còn có hiệu lực tới tháng 8/2021.
Theo nhà phân tích an ninh khu vực, Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia), liên minh Mỹ-Philippines sẽ không có hiệu quả nếu thiếu một thỏa thuận VFA.
“Tình huống này không phải là lý tưởng, bởi nó ảnh hưởng xấu đến các nỗ lực răn đe của Hiệp ước phòng thủ tương hỗ giữa Mỹ và Philippines nhằm vào Trung Quốc. Diễn biến ở đá Ba Đầu có thể làm gia tăng sức ép để cả Manila và Washington phải giải quyết những bất đồng càng sớm càng tốt”, ông Thayer nói.
Tổng thống Duterte muốn thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc và tránh chỉ trích Trung Quốc trong các vấn đề ở Biển Đông. Thay vào đó, ông nói rằng, hai bên sẽ vẫn tiếp túc hợp tác trong việc đối phó dịch Covid-19, cung ứng vaccine, các phản ứng sau đại dịch… Trung Quốc cũng đã tài trợ 1 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho Philippines.
Hồi tháng 2, ông Duterte nói rằng Mỹ sẽ phải trả tiền nếu muốn duy trì VFA với Philippines.
Trong cuộc điện đàm hôm 11/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin đã “tái khẳng định tầm quan trọng của VFA và hy vọng thỏa thuận này sẽ được làm mới lại”.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cam kết thảo luận vấn đề này với Tổng thống Duterte và quyết định cuối cùng là do Tổng thống đưa ra. Trong khi đó, ông Lorenzana đồng thời đề nghị ông Austin giúp đẩy nhanh việc phân phối vaccine Moderna cho Philippines.
Giáo sư Thayer nói rằng các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông có thể là chất xúc tác để Mỹ và Philippines khôi phục các mối quan hệ quốc phòng và bắt đầu thảo luận về các mối hợp tác quốc phòng sâu rộng hơn.
“Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Tổng thống Duterte đều nhận thức rõ mối đe dọa của Trung Quốc đối với Philippines. Họ sẽ phải tìm cách thay đổi quan điểm của ông Duterte và đạt được một thỏa thuận với Mỹ”, ông Thayer nói./.