Lầu Năm Góc đã tung loạt máy bay chiến đấu tàng hình tên tuổi tham gia cuộc tập trận đột phá hệ thống phòng không đối phương trong một cuộc chiến giả định trên Thái Bình Dương.
Quân đội Mỹ gần đây đã tiến hành các cuộc tập trận ở Thái Bình Dương, tung ra các máy bay tàng hình bao gồm cả F-22 đã tạm ngừng hoạt động, F-35 gặp nhiều rắc rối, thậm chí cả máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit được chế tạo từ cuối Chiến tranh Lạnh - đài Spunik Nga dẫn nguồn từ tờ Business Insider cho biết.
Máy bay B-2 Spirit và F-22 Raptor của Mỹ bay trên Thái Bình Dương. Ảnh: US Air Force |
Các cuộc tập trận trên được thực hiện với sự hỗ trợ của USS Wasp, tàu chiến lai giữa tàu sân bay và tàu tấn công đổ bộ.
Điều thú vị là những chiếc tiêm kích đa năng F-35 đã tham gia tập trận với vũ khí được trữ bên ngoài. Phương pháp này làm tăng tải trọng của máy bay, so với trữ bên trong, nhưng cũng làm tăng đáng kể tầm nhìn của radar máy bay. Theo nhà sản xuất máy bay Lockheed Martin, mô hình tải trọng bên ngoài chuyển máy bay sang "chế độ dã thú", dự kiến sẽ được sử dụng vào ngày thứ ba của cuộc chiến, sau khi hệ thống phòng không của đối phương đã bị đè bẹp.
Tuy nhiên, loạt "ác điểu" F-22 Raptors lại được huấn luyện cho các hoạt động trong ngày đầu tiên của chiến dịch, điều này có thể cho thấy khả năng tàng hình của F-35 hóa ra không hoàn hảo như mong đợi.
Trong khi đó, máy bay ném bom chiến lược B-2 có khả năng mang bom hạt nhân trọng lực, cũng như "bom xuyên phá khổng lồ" còn gọi là GBU-57, được cho là loại bom phi hạt nhân lớn nhất trong kho vũ khí của Mỹ (chúng thực sự nặng hơn gần 1,5 lần so với "Mẹ của tất cả các loại bom" GBU-43 /B).
Những chiếc F-22 và B-2 được xem là "kẻ đá cửa", tức là những máy bay được giao nhiệm vụ đột phá vào hệ thống phòng thủ của kẻ thù trong ngày đầu tiên của cuộc chiến, mở đường cho các máy bay chiến đấu năng lực tàng hình kém hơn.
Trung tá Robert Schoeneberg, chỉ huy Phi đội Bom 393 tại Căn cứ Không quân Whiteman ở bang Missouri (Mỹ) cho biết, những chiếc máy bay ném bom B-2 đã rời Hawaii "tiếp cận một không phận và thực hành các mối đe dọa thực tế", với sự yểm trợ của hai F-22 ở hai cánh.
Các cuộc tập trận quân sự nói trên diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông, với việc quân đội Trung Quốc đã triển khai máy bay ném bom có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cùng các hệ thống tên lửa phòng phòng không và radar trong khu vực, đồng thời công khai đe dọa đánh chìm các tàu sân bay Mỹ mang tên lửa hành trình tầm xa.
Theo báo cáo của Business Insider, gần đây, Trung Quốc đã đưa ra một giải pháp công nghệ nhằm vô hiệu hóa lợi thế tầm nhìn thấp của máy bay Mỹ bằng cách triển khai hệ thống radar kết nối mạng, có khả năng tạo ra hình ảnh radar tổng hợp từ tín hiệu mà nhiều trạm nhận được cùng lúc.
"Trung Quốc đang bảo vệ các hệ thống phòng không nối mạng có thể điều phối các hình ảnh radar từ nhiều địa điểm trong một khu vực như Biển Đông", Bryan Clark, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược (Mỹ) cho biết.
"Điều này có thể cho phép các radar nhìn thấy F-35B hoặc máy bay tầm quan sát thấp khác từ bên hông hoặc phía sau, nơi chúng có tín hiệu radar cao hơn, rồi chia sẻ thông tin đó với các bệ phóng [tên lửa đất đối không] ở nơi khác trong khu vực về sự xuất hiện của F-35B', ông Clark nói thêm.
Máy bay tiêm kích đa nhiệm tàng hình F-35 của Mỹ. Ảnh: defensenews |
Tranh chấp về Biển Đông đã nổ ra sau khi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền một cách trái phép và vô căn cứ hầu hết các vùng biển. Nhiều quốc gia trong khu vực đã phản đối yêu sách vô lý của Trung Quốc, trong khi Mỹ tuyên bố tiếp tục tiến hành các hoạt động "tự do hàng hải" trên Biển Đông./.
Điều F-22 và B-2 tới Thái Bình Dương, Mỹ đang muốn gì?