Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cả Washington và Moscow đều phát triển các hệ thống pháo có khả năng bắn đạn pháo hạt nhân chiến thuật. Pháo tự hành 2S7 Pion của Liên Xô là một trong những loại pháo đầu tiên trên thế giới có khả năng phá hủy mọi thứ bằng đạn pháo hạt nhân. Mỗi khẩu pháo có thể mang theo 4 viên đạn pháo hạt nhân 203 mm.
2S7M Malka, phiên bản mới của pháo tự hành 2S7 Pion. Ảnh: Sputnik |
“Sau khi vụ thử hạt nhân đầu tiên thành công, các nhà khoa học bắt đầu áp dụng công nghệ này lên tất cả các hệ thống vũ khí có thể áp dụng được – kể cả mìn mặt đất lẫn đạn pháo xe tăng. Những cuộc thử nghiệm này cho thấy các loại vũ khí này không hiệu quả như những đám mây hạt nhân có khả năng trải rộng hàng km trên chiến trường”, chuyên gia quân sự Alexei Ramm nhận xét.
Chuyên gia Ramm giải thích những cuộc thử nghiệm cho thấy những loại vũ khí hạt nhân chiến thuật không có hiệu quả trong các cuộc giao tranh có thể xảy ra, do đó pháo 2S7 Pion chỉ được sử dụng để bắn loại đạn 203 mm thông thường thay vì đạn pháo hạt nhân. Dù vậy, chỉ với đạn pháo thông thường, 2S7 Pion vẫn trở thành một trong những khẩu pháo tự hành mạnh nhất thế kỷ 20.
Mỗi khẩu pháo 2S7 Pion, phiên bản hiện đại là 2S7M Malka, có khả năng tiêu diệt quân địch ở khoảng cách 50 km. Đạn pháo nặng hơn 100 kg với các loại thuốc nổ khác nhau. Pháo 2S7 Pion và 2S7S Malka có thể san phẳng căn cứ của lực lượng khủng bố ẩn giấu trong những dãy núi.
“Trong những năm tiếp theo, các hệ thống Malka sẽ được trang bị đạn pháo có điều khiển với hệ thống định hướng laser. Cải tiến này sẽ tăng đáng kể độ chính xác của chúng và khiến chúng trở nên nguy hiểm hơn”, Tổng biên tập tạp chí Kho vũ khí của Tổ quốc Viktor Murahovsky nhận xét.
Ông Murahovsky cho biết loại đạn pháo mới có độ sai lệch chỉ từ 5-7 m, đây là độ sai lệch thấp đến ấn tượng với những viên đạn được bắn đi từ khoảng cách hàng chục km.
“Ngày nay các tướng lĩnh Nga đang cân nhắc việc tích hợp hệ thống Malka với máy bay không người lái. Trong những lần thử nghiệm chiến đấu gần đây, những khẩu pháo này chứng tỏ khả năng kết hợp làm việc với UAV Orlan-10 và tôi không ngạc nhiên nếu những khẩu pháo này được sử dụng trong các chiến dịch quân sự khác nhau trong tươnng lai”, ông Murahovsky nói.
Mặc dù có những ưu điểm ấn tượng, pháo tự hành 2S7 Pion và 2S7M Malka vẫn có điểm yếu của mình. Điểm yếu lớn nhất là tốc độ bắn và số lượng đạn mang theo. Pháo 2S7M Malka có tốc độ bắn 2,5 viên mỗi phút và mang theo được 8 viên đạn.
“Mỗi phát bắn của pháo tự hành 2S7M Malka mạnh đến mức nó làm choáng váng cả kíp vận hành đứng xung quanh nó. Đó là hệ thống mạnh đến mức khiến những người vận hành nó không cảm thấy thoải mái”, chuyên gia Ramm nhận định.
Pháo 2S7 Pion được quân đội Liên Xô sử dụng trong cuộc chiến tại Afghanistan, sau này quân đội Nga sử dụng pháo tự hành trong 2 cuộc xung đột tại Chechnya. Trong cuộc chiến tranh Grudia vào năm 2008, quân đội Nga thu giữ 6 khẩu pháo 2S7 của quân đội Grudia./.