Chiều 20/12, tại cuộc họp tổng kết công tác phòng chống tội phạm ma túy năm 2019, Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, thông tin Hà Nội xuất hiện bánh quy chứa cần sa mà báo chí đăng tải thời gian vừa qua là có căn cứ. Cục đã cử tổ công tác nghiên cứu, kiểm tra và đã phối hợp với Công an TP Hà Nội điều tra, khi có kết quả cụ thể sẽ công bố.
Bánh socola và kẹo mút cần sa được rao bán trên mạng xã hội. |
Trung tướng Phạm Văn Các cho biết thêm, chất ma túy được phát triển hàng ngày, hàng giờ, đòi hỏi cơ quan chuyên môn như Bộ Công Thương, Bộ Y tế phối hợp giám định và có giải pháp xử lý. Riêng năm 2019, Cục C04 phát hiện ra 5 loại chất ma túy mới, đề xuất đưa vào danh mục cấm của Chính phủ.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện các quảng cáo bán sôcôla, kẹo mút cần sa. Đó là mẫu kẹo que có vỏ màu xanh lá, được quảng cáo là món "đồ ăn lạ" giá chỉ 27.000 - 35.000 đồng/que; sôcôla có loại đen và sữa, cũng chứa tinh dầu, hạt cần sa. Người bán sản phẩm này quảng cáo chủ yếu đặt hàng từ châu Âu, mỗi tuần hàng về 2 lần.
Thông tin từ Viện Nghiên cứu người sử dụng ma túy, trong số các loại bánh chứa cần sa hiện có trên thị trường, có loại tên là "bánh lười". Bánh này đã theo chân các du học sinh vào Việt Nam. Theo quảng cáo, bánh có vị sôcôla và nho khô dễ ăn, có tẩm cần sa, có khả năng làm người sử dụng chỉ thích ngủ hoặc nằm một chỗ... cười.
Liên quan đến vụ việc này, công an cũng đã bắt giữ một nhóm chuyên sản xuất loại bánh này tại Hà Đông, Hà Nội. Một thành viên của nhóm sản xuất bánh cần sa bị bắt giữ đang là sinh viên và mới 19 tuổi.
Về vụ việc này, bác sĩ Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe tâm thần cũng khuyến cáo, việc dùng cần sa dưới bất kỳ dạng chế biến nào, là bánh, là kẹo, là sôcôla... nếu trong sản phẩm có chứa cần sa là có thể gây nghiện./.
Ma túy dạt vào bờ biển miền Trung có nguồn gốc từ Tam giác vàng