Hiện phiên tòa đang bước vào phần thẩm vấn căn cước của các bị cáo. Ngồi trước vành móng ngựa, Huyền Như rất bình thản. Gương mặt bị cáo trông trẻ trung hơn so với lúc bị khởi tố. Bị cáo Huyền Như gây sự chú ý bởi không chỉ là nhân vật trung tâm của vụ án mà còn bộ quần áo tươm tất với quần đen, áo hồng rất nổi bật.

nhu-1.jpg
Thái độ bình thản của Huỳnh Như tại phiên tòa sáng nay khiến nhiều người bất ngờ

Đôi kính cận và sự điềm nhiên của “siêu lừa” trước tòa khiến nhiều người bất ngờ. Huyền Như có 3 luật sư bào chữa cho mình tại tòa.

Sáng 6/1, TAND TPHCM đã mở phiên tòa xét xử vụ đại án tham nhũng do bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro, quyền trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Vietinbank, Chi nhánh TPHCM) cầm đầu cùng 22 bị cáo khác lừa đảo hơn 4.000 tỷ đồng.

Vụ án này được đánh giá là có tính chất vi phạm nghiêm trọng, phức tạp, số tiền lừa đảo lớn nhất từ trước đến nay nên HĐXX sẽ có 5 thành viên với 2 thẩm phán, 3 hội thẩm. Chánh tòa hình sự TAND TPHCM, thẩm phán Nguyễn Đức Sáu ngồi ghế chủ tọa phiên tòa.

Các bị cáo bị truy tố hàng loạt tội danh gồm: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “cho vay nặng lãi”, “vi phạm quy định về hoạt động cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Huỳnh Như mặc áo hồng nổi bật tại phiên tòa

Ngoài 23 bị cáo bị đưa ra trước vành móng ngựa, HĐXX còn triệu tập 15 nguyên đơn dân sự là người bị hại, người bị hại, 80 cá nhân, tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Nguyên đơn dân sự của vụ án có 3 ngân hàng TMCP gồm: Á Châu, VIB, Nam Việt... Có 50 luật sư thuộc nhiều Đoàn luật sư khác nhau trong cả nước có mặt tại tòa để tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, các cá nhân, tổ chức, công ty bị hại có liên quan trong vụ án.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, năm 2007, Như vay trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức cá nhân với lãi suất cao để đầu tư kinh doanh bất động sản ở nhiều tỉnh thành. Từ năm 2010, do việc kinh doanh thua lỗ, mất khả năng trả nợ, Như đã lợi dụng quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP HCM huy động tiền của các ngân hàng, nhiều công ty và cá nhân rồi chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng.

Giúp sức đắc lực cho Như là Võ Anh Tuấn - nguyên Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè bị cho là đã nhận lót tay lên đến hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, sai phạm của một loạt cán bộ ngân hàng cũng góp phần giúp Như chiếm đoạt số tiền khủng này./.