Theo báo cáo của ngành Kiểm sát, trong 5 năm (2016-2020), nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số tiền bị chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng đã được đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh như vụ Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng; vụ án “vi phạm quy định về quản lý vốn và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty truyền thông Mobifone và công ty AVG; các vụ án liên quan Phạm Công Danh; vụ án liên quan Phan Văn Vĩnh – cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát...
Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án này, Viện kiểm sát kiên quyết yêu cầu cơ quan điều tra áp dụng nhiều biện pháp như kê biên, phong tỏa tài khoản, thu giữ tài sản, vật chứng ngay từ đầu quá trình điều tra, qua đó hạn chế tình trạng bị can tẩu tán, che giấu, hợp thức hóa tài sản.
Viện kiểm sát các cấp tích cực phối hợp với cơ quan điều tra, tòa án, cơ quan thi hành án giải thích, động viên người phạm tội tự nguyện giao nộp lại tài sản đã chiếm đoạt, tự nguyện khắc phục thiệt hại đã gây ra, góp phần thu hồi số lượng lớn tài sản tham nhũng. Điển hình như trong vụ án AVG đã thu hồi 8.774 tỷ đồng tiền thất thoát và hơn 138 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính (thu hồi 100% tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt); Đã thu giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản tài sản có giá trị trên 300 tỷ đồng trong vụ án Giang Kim Đạt; kê biên, phong tỏa nhiều tài sản có giá trị 6.100 tỷ đồng trong vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 1...
Tại cuộc họp báo về kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quang Dũng - Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Viện KSND Tối cao) cho biết, vụ AVG được xem là vụ án đạt hiệu quả xử lý “tròn trịa nhất” và để lại dấu ấn lớn nhất. Vụ án truy tố, xét xử 2 cựu Bộ trưởng, tội danh nhận hối lộ cực lớn 3 triệu USD, việc thu hồi tài sản lớn nhất trong lịch sử tố tụng.
“Vai trò Viện kiểm sát trong vụ án này rất rõ, quá trình điều tra không dễ gì đưa ra kết luận khởi tố, bắt giam 2 cựu Bộ trưởng về hành vi nhận hối lộ. Bởi vì hành vi nhận hối lộ rất tinh vi, nếu không có biện pháp nghiệp vụ thì không thể đấu tranh. Tại phiên tòa cũng như quá trình điều tra các bị cáo đều nhận tội” – ông Nguyễn Quang Dũng cho biết.
Việc điều tra, theo dõi dòng tiền không đơn giản
Theo ông Nguyễn Quang Dũng, việc thu hồi tài sản trong những vụ án tham nhũng, kinh tế từ trước đến nay vốn rất khó. Giai đoạn trước hầu như tài sản thu hồi rất ít nhưng vài năm gần đây, khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo quyết liệt, bên cạnh xử lý nghiêm minh tội phạm thì việc thu hồi tài sản cũng đóng vai trò hết sức quan trọng.
Trên tinh thần đó, ngay từ giai đoạn điều tra vụ án, cơ quan điều tra Viện kiểm sát đã rất chú trọng hoạt động kê biên tài sản liên quan đến vụ án để bảo đảm thi hành án. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, Viện kiểm sát với trách nhiệm của mình đã đề nghị Hội đồng xét xử phải xử lý rốt ráo các tài sản đã kê biên để thu hồi về cho Nhà nước, do đó những năm gần đây tài sản thu hồi so với trước đây đã vượt rất xa.
Tuy nhiên, ông Dũng cho hay trong hiện tại và tương lai, quá trình điều tra, xác minh tài sản cũng gặp khó khăn vì đối tượng phạm tội khi thực hiện việc chiếm đoạt tài sản luôn có xu hướng che giấu, tẩu tán tài sản. Tài sản của các đối tượng này, đặc biệt là công chức liên quan đến vấn đề kê khai tài sản. Tài sản được che giấu, đứng dưới tên người khác, ngoài ra còn có các hoạt động khác như rửa tiền, tẩu tán, đầu tư dưới các kênh khác nhau... Việc điều tra, xác minh, theo dõi dòng tiền đó cũng không đơn giản, trong khi các quy định pháp luật, hay các thiết chế để kiểm soát, theo dõi dòng tiền hiện nay vẫn còn những hạn chế. Ở nước ta chủ yếu sử dụng tiền mặt nhiều nên khó khăn trong kiểm soát dòng tiền, đặc biệt trong các vụ tham nhũng...
Khó khăn là vậy, song với tinh thần, trách nhiệm, Viện kiểm sát sẽ phối hợp với các cơ quan tố tụng cố gắng phát huy, làm tốt hơn nữa công tác thu hồi tài sản tham nhũng cho Nhà nước./.