Sáng 22/1, phiên xử Huỳnh Thị Huyền Như vẫn tiếp tục với phần Viện Kiểm sát (VKS) tranh luận lại ý kiến của các luật sư nêu ra trong ngày hôm trước.

Phát biểu tại toà trước đó, phía ngân hàng ACB và luật sư đưa ra thông báo số dư tài khoản mang tên ông Phạm Công Hoàng (một trong số 19 người của ACB gửi tiền vào Vietinbank) và cho rằng tình tiết mới này chứng minh tiền của ACB đã vào tài khoản của Vietinbank và buộc ngân hàng này phải bồi thường. Tuy nhiên, VKS phản bác rằng đây không phải tình tiết mới, bởi cơ quan điều tra đã cập nhật.

Theo VKS, số tiền hơn 700 tỷ đồng huy động của ACB đã được Như làm giả 65 thẻ tiết kiệm. Số còn lại gần 19 tỷ Như tiếp tục làm giả thêm 16 thẻ để rút trong tài khoản của 17 nhân viên ACB tại Vietinbank. Hiện còn 21 tỷ bao gồm cả gốc và lãi Như chưa rút được.

huyen%20nhu.jpg
Huỳnh Thị Huyền Như (áo trắng) tại phiên tòa

"Việc ông Nguyễn Công Hoàng cung cấp cho toà số dư còn hơn 950 triệu đồng là do Như chưa rút. Như điều tiền đến Vietinbank để chiếm đoạt nhưng vì nhiều yếu tố khách quan ngoài ý muốn nên Như chưa thực hiện được và tồn lại số tiền này. Vì vậy, thông báo số dư không phải là tình tiết mới và Như phải có trách nhiệm bồi thường cho ACB", đại diện VKS nói.

Ngay lập tức, luật sư Lưu Văn Tám, bảo vệ quyền lợi cho ACB cho rằng, VKS khẳng định 21 tỷ đồng còn lại trong tài khoản của Vietinbank mà Như chưa chiếm đoạt được, song vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố Như chiếm đoạt 718 tỷ là không chính xác.

“Vậy đến bây giờ số tiền này đã bị chiếm đoạt hay chưa? Nếu tính ra thì Huyền Như chỉ rút ra khỏi Vietinbank là 697 tỷ. Còn số tiền 950 triệu mà ông Hoàng được Vietinbank thông báo xác nhận số dư, nếu bây giờ ông mang chứng minh nhân dân đến đề nghị rút số tiền này ra thì Vietinbank có đồng ý hay không?”, luật sư Tám đặt câu hỏi và cho biết nếu VKS vẫn giữ nguyên quan điểm thì luật sư cũng không còn gì để nói.

Cũng trong sáng 22/1, đại diện VKS đã đối đáp với ý kiến của các luật sư bảo vệ cho các nguyên đơn dân sự khác gồm Công ty chứng khoán Saigonbank Berjayra và 3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên (bị chiếm đoạt 1.600 tỷ). Vị đại diện VKS vẫn khẳng định, nguyên nhân dẫn đến việc để Như chiếm đoạt số tiền này là do những đơn vị này "ham lãi suất cao", quá tin tưởng vào Như nên đã giao phó toàn bộ số tài sản khổng lồ của mình cho Như định đoạt mà không hề đến ngân hàng để thực hiện các giao dịch.

Với các luật sư bào chữa cho bị cáo, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố như ban đầu. Tuy nhiên, VKS cũng chấp nhận một số quan điểm của các luật sư và đề nghị HĐXX xem xét một số tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo./.