Đến ngày 18/6, hai “thánh cô” trong cái gọi là “Tập đoàn thánh bóc” trên mạng xã hội đã bị Cục Cảnh sát Hình sự (C45) – Bộ Công an "bóc gỡ".

Hai đối tượng là Trần Thị Hương Giang và Nguyễn Thị Lan Phương đã đưa lên mạng xã hội những bài viết nhằm bôi nhọ, xuyên tạc, xúc phạm nhân phẩm danh dự của các cá nhân gây dư luận xấu trong xã hội và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Hành vi của các đối tượng, bị Bộ Công an điều tra tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo điều 258, Bộ luật hình sự.

thanh_co_co_boc_udrp_hged.jpg
Trần Thị Hương Giang lúc bị bắt

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm – Đoàn luật sư Hà Nội, hai “thánh cô” đã có những bài viết gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân – một quyền được Hiến pháp quy định.

Điều 21, Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Hành vi viết bài lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ, xuyên tạc, xúc phạm nhân phẩm danh dự người khác của các “thánh cô” đã gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Đã có một số cá nhân tố cáo hành vi của đối tượng đến các cơ quan chức năng.

Trên cơ sở xem xét đánh giá những bài viết và hậu quả gây ra, các đối tượng đã có dấu hiệu xâm phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ.

Về hành vi khách quan, đối tượng đã lợi dụng quyền tự do, dân chủ hợp pháp vào hoạt động bất hợp pháp như đăng các bài viết với các thông tin thất thiệt, bôi nhọ nhân danh dự một số cá nhân trong xã hội.

Mặc dù phần lớn những cá nhân này không có quan hệ với đối tượng nhưng vì động cơ cá nhân và thích được nổi tiếng nên đã cố ý thực hiện.

Trang facebook của "thánh cô" Nguyễn Thị Lan Phương

Hậu quả của đối tượng đã gây ra là gây hoang mang, rối loạn trong một bộ phận xã hội. Một số cá nhân bị hiểu nhầm, lên án.

Thậm chí, họ còn bị đối tác kinh doanh hủy hoặc cắt hợp đồng gây thiệt hại vô cùng lớn về mặt tinh thần và vật chất, chẳng hạn như Hồ Ngọc Hà bị các nhãn hàng mà ca sỹ này làm đại diện thương hiệu đề nghị hủy, cắt hợp đồng gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Đặc biệt, trong nội dung một số bài viết trên còn đe dọa đến sức khỏe, tính mạng hai con của doanh nhân Trương Thị Phượng, buộc bà Phượng phải thuê vệ sỹ bảo vệ 24/24h.

Do đó, ông Thơm cho rằng, cơ quan điều tra khởi tố hai “thánh cô” theo điều 258, Bộ luật hình sự là có căn cứ pháp luật.

Tự do ngôn luận nhưng phải tuân thủ pháp luật

Theo ông Thơm, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng,.. là những quyền tự do và dân chủ rất quan trọng của công dân không những được Hiến pháp quy định, được ghi nhận trong Công ước quốc tế nhằm đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của công dân trong nhà nước pháp quyền.

Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 quy định: Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp.

Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.

Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt.

Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế được quy định trong pháp luật. Đây là điều cần thiết để thể hiện sự tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác. Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội.

Điều 25 của Hiến pháp 2013 cũng chỉ rõ, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin... Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Nhưng bên cạnh đó, Nhà nước cũng rất kiên quyết trừng trị nghiêm minh các hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ này để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, các tổ chức hoặc của công dân.

Điều 21 Hiến pháp năm 2013 nêu: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Đối với sự phát triển của internet hiện nay, facebook là trang mạng xã hội. Facebook có sức lan truyền rất lớn. Bất cứ thông tin cá nhân đưa trên facebook đều được lan truyền ra cộng đồng mạng.

Do vậy, việc đưa các thông tin lên facebook thì được coi là đưa ra cộng đồng xã hội chứ không còn là thông tin của riêng của cá nhân.

“Công dân có quyền tự do ngôn luân qua việc đưa thông tin lên mạng xã hội nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội. Nhưng động cơ bất chấp các chuẩn mực pháp luật để cố tình đưa các thông tin gây rối loạn trong xã hội cần xử nghiêm”, ông Thơm nói./.