Mới đây Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi TAND TP HCM và Viện Kiểm sát Nhân dân TP HCM về những vướng mắc liên quan đến truy tố ông Vũ Văn Đảo – Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc trong vụ án Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn. Văn bản của do ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI ký.

Văn bản của VCCI nêu, quá trình điều tra, truy tố vụ án này có một số bất cập về thủ tục tố tụng và xác định tội danh của ông Vũ Văn Đảo.

images734965_1_lgak_batk_imky.jpgChiếc ca nô BP 12-04-02 bị nạn 
Theo đó, về thủ tục tố tụng, cơ quan điều tra đã vi phạm thời hạn phê chuẩn quyết định khởi tố bị can. Cụ thể Công an TP HCM ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Văn Đảo vào ngày 4/9/2013, nhưng đến ngày 23/10/2013, Viện Kiểm sát Nhân dân TP HCM mới ký phê chuẩn quyết định trên.

Văn bản của VCCI cho rằng, thời hạn kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can đến khi phê chuẩn quyết định này là 49 ngày. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4, điều 126, Bộ luật Tố tụng hình sự thì “trong thời hạn 24h, kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, cơ quan điều tra phải gửi quyết định khởi tố và tài liệu liên quan đến việc khởi tố bị can cho viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn việc khởi tố. Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được khởi tố bị can, viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can”.

Thời hạn điều tra vụ án của ông Vũ Văn Đảo được gia hạn 2 lần, như vậy thời hạn điều tra này sẽ là 12 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc, ngày 4/9/2014, cơ quan điều tra có kết luận điều tra, nhưng bản kết luận điều tra vụ án được ký ngày 12/9/2014 từ là quá thời hạn theo luật định.

Đối với việc xác định tội danh của ông Vũ Văn Đảo, văn bản của VCCI cũng cho rằng, giám đốc Công ty Việt Séc bị điều tra, truy tố về tội Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn, quy định tại Điều 214 Bộ luật hình sự. 

Kết luận điều tra và cáo trạng truy tố của VKS đều không chứng minh được các yếu tố đặc trưng để cấu thành tội phạm này.

Văn bản của VCCI gửi cơ quan tố tụng TP HCM
Các nội dung trong đơn kêu cứu của ông Vũ Văn Đảo được VCCI dẫn trong văn bản tương ứng với các ý kiến, nhận định của Trung tâm Tư vấn Pháp luật Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Trung tâm Tư vấn pháp luật của Trường Đại học Luật Hà Nội, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp thuộc Bộ Tư pháp…

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của ông Vũ Văn Đảo cũng như Công ty Việt Séc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn khi ông Đảo bị bắt và điều tra trong suốt thời gian qua, VCCI đề nghị xem xét cẩn trọng và toàn diện vụ án này.

Vụ chìm ca nô ở huyện Cần Giờ, TP HCM xảy ra vào năm 2013. Ngày 2/8/2013, ông Đảo, ông Quyết đã điều động 3 ca nô (gồm: H790 HQ, BP 12-04-01, BP 12-04-01) xuất phát từ Vũng Tàu chạy xuống Tiền Giang chở công nhân viên của Công ty PV PIPE ra Vũng Tàu vui chơi theo kế hoạch.

Lúc đi, ông Đảo là người điều khiển ca nô H790 HQ; Lục Văn Bảo lái ca nô BP 12-04-01, còn ca nô BP 12-04-02 do Phạm Duy Phúc (nhân viên lái ca nô của Công ty Vũng Tàu Marina) điều khiển.

Đến 17h30’ cùng ngày, 3 chiếc ca nô nói trên đã cập cầu cảng xăng dầu Hiệp Phước, đón người.

Khoảng 18h cùng ngày, ca nô BP 12-04-02 chở 28 người của Công ty PV PIPE, xuất bến chạy về Vũng Tàu.

30 phút sau, chiếc ca nô BP 12-04-01  và ca nô H790 cũng rời khỏi cầu cảng quay về Vũng Tàu.

Khoảng 19h cùng ngày, khi ca nô BP 12-04-02 do ông Phúc điều khiển đi ngang qua vùng biển thuộc địa phận của xã Long Hòa, huyện Cần Giờ đã gặp nạn làm 9 người tử vong (gồm ông Phúc và 8 người của Công ty PV PIPE).

Do tài công Phạm Duy Phúc đã tử vong nên Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP HCM không khởi tố, điều tra theo điều 212, Bộ luật hình sự.

Hai ông Vũ Văn Đảo – Giám đốc Công ty Việt Séc, đơn vị sản xuất ca nô BP 12-04-02 và ông Đinh Văn Quyết – Giám đốc Công ty Cổ phần Vũng Tàu Marina bị khởi tố điều tra về tội Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”, theo điều 214 Bộ luật hình sự.

Ngay sau đó, ông Đảo có đơn kêu oan đến các cơ quan tố tụng, cơ quan chức năng và cho rằng mình bị khởi tố oan sai.

Nhiều chuyên gia pháp luật cũng như ý kiến nhận định của các tổ chức đều cho rằng, việc truy tố ông Đảo và ông Quyết theo điều 214 Bộ luật hình sự là không có cơ sở.

Hiện hồ sơ vụ án đang được TAND TP HCM thụ lý./.