Công an phát hiện bắt giữ một vụ ăn cắp phí viễn thông sử dụng công nghệ cao |
Ngày 6/4 vừa qua, Công an TP HCM đã bắt giữ 43 người nước ngoài lừa đảo công nghệ cao tại 4 căn nhà ở các quận Bình Tân, 12, Tân Phú và huyện Hóc Môn. Đây chỉ là một trong những vụ án điển hình mà lực lượng CATP điều tra phát hiện, bắt giữ. Điều đáng nói là hiện nay hình thức lừa đảo công nghệ cao đang gia tăng và diễn biến phức tạp với số vụ vi phạm ngày càng nhiều, hình thức phạm tội ngày càng tinh vi, có tổ chức.
Để cảnh báo người dân trước những thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao, phóng viên Đài TNVN đã có cuộc phỏng vấn Trung tá Nguyễn Sĩ Quang – Phó chánh văn phòng Công an TP HCM.
** Thưa ông, được biết ngày 6/4 vừa qua, CATP vừa bắt giữ 43 đối tượng lừa đảo công nghệ cao, xin ông cho biết thêm về thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng này?
-Thủ đoạn của băng nhóm này là những tên cầm đầu người Đài Loan thuê người Đài Loan hay Trung Quốc vào Việt Nam bằng visa du lịch, thuê nhà, thuê đường truyền internet tốc độ cao và lắp đặt thiết bị. Sau đó sử dụng các kịch bản để lừa đảo. Qua đấu tranh, chúng tôi phát hiện có hơn 100 kịch bản khác nhau.
Thường thì nhóm này giả danh các cơ quan cơ quan công an, ngân hàng, viện kiểm soát, tòa án gọi điện thoại cho nạn nhân ở Trung Quốc và hiện số mã vùng Trung Quốc để nạn nhân không nghi ngờ. Khi nạn nhân gọi điện thoại lại thì thông báo là tài khoản này có nguy cơ bị đánh cắp và đề nghị hợp tác với cơ quan điều tra, cho một số điện thoại khác.
Một kịch bản khác là khi nạn nhân gọi điện thoại đến tuyến thứ hai thì yêu cầu cung cấp mật mã hoặc chuyển tiền vào để giữ tài khoản.
Nhiều nạn nhân không hề nghi ngờ gì và bị thiệt hại rất lớn.
** Vậy đây có phải là những thủ đoạn phổ biến mà lâu nay các đối tượng lừa đảo đã sử dụng trên địa bàn thành phố hay không?
- Những thủ đoạn này thường giống nhau ở chỗ là các nhóm tội phạm thuê nhà, thuê đường truyền internet tốc độ cao. Ngoài ra, có các nhóm lừa đảo người Malaysia dùng thẻ ATM giả để mua hàng và lừa đảo, nhưng cũng đã bị chúng ta phát hiện và bắt giữ.
Năm 2011, CATP cũng đã triệt phá một băng nhóm lừa đảo Thái Lan và cũng áp dụng thủ đoạn tương tự. Khi nạn nhân bị lừa thì thiệt hại lớn, như vụ ngày 6/4 vừa qua thì các nạn nhân Trung Quốc đã mất khoảng 100 ngàn nhân dân tệ. Các quốc gia láng giềng đều có loại hình tội phạm này. Công an Trung Quốc, Đài Loan cũng phối hợp chặt chẽ trong phá án nhưng tình trạng này chưa giảm.
** Vậy ông có những cảnh báo gì, đặc biệt là với người dân trong việc đề phòng các đối tượng lừa đảo công nghệ cao?
- Người dân cần hết sức cảnh giác, đặc biệt là người cho thuê phòng nếu thấy những dấu hiệu như thuê nguyên căn, đưa thiết bị viễn thông về nhiều, đóng cửa im ỉm và thuê bao đường truyền internet tốc độ cao. Đây là những dấu hiệu của hoạt động lừa đảo công nghệ cao. Cơ quan quản lý trật tự nhà nước tại địa phương cũng cần chú ý để phối hợp đấu tranh ngăn chặn sớm.
** Thưa ông, trong thời gian tới, Công an TP HCM sẽ có những biện pháp gì để kiểm tra và xử lý tình trạng lừa đảo công nghệ cao trên địa bàn thành phố?
- CATP đã rút ra những phương thức hoạt động của đối tượng. Trong công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, chúng tôi có lồng ghép tuyên truyền về thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo công nghệ cao để phát hiện và báo công an. Trên thực tế, những vụ án vừa qua chúng tôi triệt phá cũng dựa vào tin báo của quần chúng nhân dân. Chúng tôi cũng tăng cường quản lý người nước ngoại tại các địa bàn dân cư, đồng thời tham mưu cho thành phố chỉ đạo các quận, huyện quản lý người nước ngoài. Đảm bảo là hoạt động theo pháp luật, không lợi dụng việc nhập cảnh vào Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng để lừa đảo công nghệ cao.
** Xin cảm ơn ông !./.