Chiều nay (16/1), tại thành phố Hồ Chí Minh khai mạc Hội nghị Chuyên đề Triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2010 khu vực phía Nam do Bộ Tư pháp tổ chức. Tham dự có đại diện 32 tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào.

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp: kết quả thi hành án dân sự năm qua đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, với gần 354.000 việc đã thi hành xong, đạt hơn 81% số việc có điều kiện thi hành và số tiền thi hành xong hơn 6.600 tỷ đồng, đạt 70,5%. Dù vậy, số việc thi hành án tồn đọng chuyển sang năm sau vẫn còn nhiều, trong tổng số 271.000 việc còn phải thi hành thì có tới 188.000 việc chưa có điều kiện thi hành án, với số tiền phải thi hành gần 17.200 tỷ đồng. Mặt hạn chế khác là việc chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự và kiện toàn đội ngũ cán bộ còn chậm so với yêu cầu, tình trạng khiếu nại, tố cáo về thì hành án dân sự vẫn còn nhiều.

Năm 2010, ngành thi hành án dân sự phấn đấu thi hành xong đạt 80% về số việc và 60% về số tiền trên tổng số vụ việc có điều kiện thi hành, tăng 5% so với năm 2009; giảm từ 5 đến 10% số vụ việc thi hành án tồn đọng và hạn chế đến mức thấp nhất khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã kiến nghị những vấn đề thiết thực nhằm góp phần hoàn thành nhiệm vụ của toàn ngành trong năm nay. Ông Nguyễn Văn Lực, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh đề nghị lãnh đạo Bộ, Tổng Cục thi hành án sớm có kế hoạch để bồi dưỡng, đào tạo cán bộ thi hành án có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm để đảm đương nhiệm vụ; sớm có quy định chính thức về phân cấp công tác tổ chức cán bộ cho các Cục Thi hành án ở địa phương.Những công việc trước đây lãnh đạo Bộ đã ủy quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp quản lý hoạt động thi hành án thì tiếp tục ủy quyền cho Cục trưởng Cục thi hành án và một số công việc mà Bộ có thể ủy quyền thêm cho Cục trưởng Cục Thi hành án, như nâng lương theo niên hạn hoặc cho công chức chuyển công tác.

Chiều cùng ngày, tại thành phố Hồ Chí Minh cũng diễn ra Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Luật Công chứng và Nghị định 79 do Bộ Tư pháp tổ chức. Đến nay cả nước đã có 254 tổ chức hành nghề công chứng, hai năm qua đã công chứng được 1,485 triệu việc với tổng số phí công chứng gần 550 tỷ đồng. Riêng việc chứng thực theo Nghị định 79, Uỷ ban Nhân dân cấp huyện - xã cũng đã chứng thực hơn 1,460 triệu hợp đồng giao dịch, bản sao, chữ ký, với lệ phí thu được gần 310 tỷ đồng./.