Tranh chấp đất đai là tranh chấp có thủ tục khá phức tạp và kéo dài. Nhiều trường hợp người dân không tự mình viết đơn, thu thập chứng cứ, chứng minh và tranh tụng tại tòa để có cơ sở thắng kiện. Vậy, thế nào là tranh chấp đất đai, người dân cần chú ý những gì khi giải quyết các tranh chấp liên quan tới đất đai?. Liên quan đến vấn đề này, PV VOV trao đổi với luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hồng Bách và cộng sự.
PV: Thưa luật sư, khi nào thì được coi là tranh chấp về đất đai và có phải cứ liên quan đến đất đai thì đều tính là tranh chấp về đất đai hay không?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Tranh chấp đất đai khá phổ biến. Luật pháp có quy định ở Luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự đối với tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tranh chấp đất đai bao gồm: Tranh chấp đất đai mà trên đất không có tài sản hoặc tranh chấp về quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất. Nếu phân loại một cách tương đối thì dạng tranh chấp này gồm 4 nhóm chính.
Thứ nhất, tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất, hoặc tranh chấp về việc xác định ai là người có quyền sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất. Thứ hai, tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất, hoặc thừa kế về các tài sản trên đất. Thứ ba, tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất. Và thứ tư là tranh chấp liên quan đến các giao dịch về quyền sử dụng đất hoặc là các giao dịch về nhà ở.
PV: Tranh chấp đất đai là tranh chấp quyền sử dụng đất hoặc là tranh chấp sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất. Nhiều độc giả cho biết, khi có tranh chấp xảy ra họ đều phải gửi đơn cho xã để tiến hành hòa giải. Vậy, đó có phải là thủ tục bắt buộc khi giải quyết tranh chấp về đất đai không thưa luật sư?. Và chúng ta có thể gửi thẳng đơn kiện ra TAND được hay không, bởi, như luật sư vừa nói Tòa án có thể thụ lý và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Theo Hướng dẫn tại Nghị quyết số 05 năm 2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, loại tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất như quy định ở Điều 202 của Luật Đất đai bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải tại cơ sở, Ủy ban cấp xã.
Thứ hai, là đối với tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch, tranh chấp về thừa kế, cầm cố, thế chấp thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện.
PV: Thực tế hiện nay, có thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng có thửa đất thì cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo luật sư, người dân cần chú ý những gì khi muốn được giải quyết các tranh chấp về đất đai như thế này?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Đây là một vấn đề mà người dân thường mắc phải và cũng là một vấn đề khá phức tạp. Để giải quyết tranh chấp đất đai, người dân cần phải có các giấy tờ để chứng minh, thể hiện về việc tranh chấp. Về mặt nguyên tắc, bất luận là giải quyết tại Tòa án hay giải quyết tại Ủy ban thì trách nhiệm chứng minh thuộc về đương sự. Bên đưa ra yêu cầu thì có nghĩa vụ để chứng minh cung cấp cho cơ quan giải quyết nhằm chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và cơ sở pháp lý.
Thứ hai, là các giấy tờ, căn cứ để chứng minh về quyền sử dụng đất của mình. Và đối với các tranh chấp về đất đai thì Nhà nước khuyến khích việc hòa giải.
PV: Nhiều độc giả cho biết, sau khi nộp đơn cẩ tháng, vụ việc của họ chưa được giải quyết. Và đây cũng không chỉ là tình trạng xảy ra tại UBND các cấp mà ngay cả khi khởi kiện ra tòa án thì cũng kéo dài mất rất nhiều thời gian. Luật sư có thể cho biết, theo quy định của pháp luật thì thời gian giải quyết tranh chấp đất đai thường sẽ mất khoảng bao nhiêu lâu?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Nếu người dân hiểu biết để chuẩn bị đầy đủ và nắm được các trình tự, thủ tục, quá trình giải quyết nó sẽ nhanh hơn. Nhưng đối với từng giai đoạn, từng thủ tục thì luật quy định việc thực hiện cũng khác nhau. Đối với thủ tục hòa giải tranh chấp, tôi lấy ví dụ, theo quy định của Luật là Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương của mình. Trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp. Luật đã quy định, người dân cũng phải theo dõi để đốc thúc đối với cán bộ, đối với người có thẩm quyền giải quyết. Còn đối với thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện thì có quy định, thời hạn để kiểm tra hồ sơ không quá 3 ngày làm việc. Cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh. Thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh giống với thủ tục thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, thời hạn giải quyết không quá 60 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Còn đối với giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì không quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, không tính thời gian các ngày nghỉ lễ theo quy định của pháp luật.
Còn đối với quá trình giải quyết tranh chấp đất đai tại tòa án tuân theo các quy định của tố tụng dân sự. Ví dụ như thủ tục xét xử sơ thẩm thì thời hạn chuẩn bị tối đa là 6 tháng.
PV: Luật sư có lời khuyên gì cho độc giả trước khi chúng ta làm đơn khởi kiện giải quyết tranh chấp về đất đai không có lẽ là chúng ta phải xác định khả năng thắng kiện cao thì chúng ta mới nên làm đơn?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Đây là một vấn đề rất quan trọng mà chúng ta hay nói rằng, các thủ tục tiền tố tụng cần phải xác định.
Một là, quy định của pháp luật như thế nào, tức là chúng ta cần phải tìm hiểu. Hai là các căn cứ cơ sở pháp lý để đề nghị Tòa án xem xét có hay không. Bởi, khi chúng ta nộp đơn, nếu không thuộc trường hợp được miễn giảm khi được thụ lý là chúng ta phải nộp án phí. Cho nên, chúng ta cần phải tìm hiểu, thậm chí là chúng ta tham vấn luật sư, hoặc trợ giúp pháp lý để xem căn cứ cơ sở pháp lý của chúng ta có không nếu thực hiện việc khởi kiện. Nếu không có căn cứ vào cơ sở pháp lý trên cơ sở ý kiến của chuyên gia, của các luật sư thì chúng ta quyết định là có thể không khởi kiện vì không đem lại hiệu quả cho chúng ta mà lại gây mất tiền. Bởi, án phí là bên nào thua bên ấy chịu.
Quy định của pháp luật, theo tỷ lệ, ví dụ từ trên 4 tỷ đồng, mức án phí là 120.triệu đồng cộng với 0,1 % của phần giá trị vượt lên 4 tỷ đồng. Có những vụ tranh chấp đến cả nghìn tỷ, hàng chục nghìn tỷ thì cứ nhân với 0,1% để ra án phí.
PV: Xin cảm ơn luật sư!./.