Thông tin từ Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an cho biết, thời gian gần đây, giới tội phạm ma túy đã “sáng chế” ra những chất mới chưa có trong danh mục cấm để lách luật. Những chất mới chưa có trong danh mục cấm, nhưng tác dụng với người dùng cũng không khác gì ma túy. Cụ thể trong năm 2020, tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều chất ma túy, chất hướng thần mới chưa có trong danh mục Nghị định 60/2020/NĐ-CP của Chính phủ, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất.
Thủ đoạn của các đối tượng là khi một chất bị phát hiện và đưa vào Danh mục thì chúng lại sử dụng một chất hoàn toàn mới để lách luật (năm 2020 sử dụng chất MDMB-4en-PINACA).
Thực tế, có một số vụ việc khi bị bắt, các đối tượng tuyên bố là đã nghiên cứu kỹ danh mục ma túy của Việt Nam và không thể xử lý được đối tượng với các mẫu vật thu được. Điển hình như vụ đối tượng Schalk, quốc tịch Nam Phi vận chuyển 10 túi nilon có chứa các viên nén nghi ma túy qua sân bay Nội Bài ngày 12/6/2020; hay vụ mua bán trái phép chất ma túy nhưng sử dụng tiền chất mới tại Vĩnh Phúc ngày 4/9/2020.
Tính đến tháng 6/2021 lực lượng Khoa học Hình sự đã phát hiện thêm 8 chất có tính năng, tác dụng tương tự như ma túy nhưng chưa có tên trong danh mục Nghị định 60/2020/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ ban hành.
Theo Thượng tá – Tiến sĩ Đặng Văn Đoàn, Viện phó Viện Khoa học Hình sự thì những thủ đoạn mới của tội phạm ma túy đã gây thêm khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc quản lý, giám định.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng đã lợi dụng thành tựu của khoa học, đặc biệt là công nghệ hóa học, dược học để phạm tội và che dấu hành vi phạm tội. Khi có một chất ma túy mới bị phát hiện được đưa vào diện kiểm soát thì liên tục xuất hiện những chất mới có tính năng tác dụng tương tự thay thế, điển hình là ma túy nhóm cần sa tổng hợp, hiện có trên 200 chất đã được kiểm soát tại Việt Nam nhưng vẫn liên tục xuất hiện những chất mới có tác dụng tương tự thậm chí còn mạnh hơn.
Năm 2019 và đầu năm 2020, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã phát hiện ra một số chất ma túy mới như: N-Ethylpentylone, Acetyl-psilocine, Propyphenidate... Hiện các chất ma tuý mới đã được bổ sung vào danh mục các chất ma túy cần kiểm soát tại Việt Nam theo Nghị định 60/2020/NĐ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ và đến tháng 6/2021 Viện Khoa học hình sự và lực lượng Kỹ thuật hình sự đã giám định và phát hiện thêm 8 chất mới có tính năng, tác dụng tương tự như ma túy nhưng chưa có tên trong danh mục các chất ma tuý.
Cũng theo Thượng tá Đặng Văn Đoàn, theo số liệu của cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) thì cứ khoảng 1 tuần đến 10 ngày trên thế giới lại phát hiện thêm 1 chất hướng thần mới. Như vậy có thể thấy xu hướng xuất hiện những loại ma túy mới trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng rất phức tạp, gây nhiều khó khăn cho công tác giám định và đấu tranh với loại tội phạm này.
Để kiểm soát vấn đề này, Thượng tá Đặng Văn Đoàn cho rằng, cần phải kết hợp nhiều biện pháp. Đầu tiên phải kiểm soát thật tốt nguồn cung ma túy ngay từ cửa khẩu, từ biên giới. Ngoài ra ngay từ trong nội địa cần phải kiểm soát chặt chẽ các hóa chất, tiền chất cũng như các loại thuốc tân dược, thuốc thú y có liên quan tội phạm ma túy.
Bên cạnh đó, đối với công tác giám định cần bổ sung các chất chuẩn ma túy, đây là cơ sở then chốt để giải quyết các vụ án về ma túy khi mà danh mục ma túy cần kiểm soát tại nước ta tăng lên 543 chất. Đối với các chất mới chưa có trong danh mục cần sớm bổ sung vào danh mục chất ma túy cần kiểm soát tại Việt Nam./.