"Việc bồi thường trong hai vụ án oan đối với ông Huỳnh Văn Nén ở tỉnh Bình Thuận và ông Trần Văn Thêm ở tỉnh Bắc Ninh vẫn đang trong quá trình thương lượng. Tòa án Nhân dân tối cao đang tích cực chỉ đạo để giải quyết sớm, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại cho người bị hại".

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thông tin về tình hình hoạt động của ngành Tòa án từ đầu năm đến nay, diễn ra sáng 20/9 tại Hà Nội.

vov_hop_bao_toa_an_nmiv.jpg
Họp báo tình hình hoạt động của các Tòa án  trong 10 tháng năm 2016
Lãnh đạo Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, với vụ ông Huỳnh Văn Nén, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận và các luật sư, người đại diện hợp pháp của ông Nén đang trao đổi, thỏa thuận, thương lượng vấn đề bồi thường. Vụ ông Trần Văn Thêm, thuộc trách nhiệm của Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội và hiện đang trong quá trình thương lượng. Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đang hướng dẫn người bị oan thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vấn đề thiệt hại, để việc bồi thường đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Sau khi các bên thương lượng sẽ chuyển hồ sơ về Tòa án Nhân dân Tối cao thẩm định. Sau khi thẩm định xong, Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ đề nghị Bộ Tài chính thẩm định lần cuối và ra quyết định chuyển tiền, để bồi thường cho ông Thêm.

Ông Vũ Thế Đoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra án hình sự hành chính, Tòa án Nhân dân tối cao cho biết: “Hai vụ án này vẫn đang trong tiến hành giải quyết. Nếu trong quá trình giải quyết thương lượng mà không được thì người bị hại có quyền kiện ra tòa và Tòa án sẽ  tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật từ sơ thẩm đến phúc thẩm; và có khiếu nại nữa thì tiếp tục lên cấp giám đốc thẩm xem xét lại về vấn đề bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Tòa án tối cao rất tích cực giải quyết việc bồi thường cho người bị oan. Đây mới là giai đoạn đầu, Tòa án tối cao cũng tích cực chỉ đạo để giải quyết sớm, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại cho người bị hại".

Xung quanh việc xử lý đối với những người giải quyết vụ án của ông Thêm và ông Nén, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Sơn cho biết: Ở góc độ quản lý, Tòa án Nhân dân tối cao yêu cầu các cá nhân có liên quan phải kiểm điểm, đồng thời xem xét hình thức kỷ luật. Tuy nhiên, vụ việc liên quan đến ông Thêm diễn ra từ những năm 70 và những người tham gia xét xử đã nghỉ hưu. Đối với vụ ông Nén, sau khi xác định bị oan, Tòa án Nhân dân Tối cao đã yêu cầu kiểm điểm đối với Hội đồng xét xử phiên tòa đó. Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận yêu cầu Chủ tọa phiên tòa đó phải kiểm điểm. Hiện nay, Chủ tọa phiên tòa của vụ án ông Nén đang điều trị bệnh nên việc tổ chức kiểm điểm chưa tiến hành được.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn nói: “Với trách nhiệm của Tòa án Nhân dân tối cao sau khi xảy ra oan sai, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án Nhân dân tối cao rất quan tâm đến công tác cán bộ, trong đó có kiểm điểm và phải có biện pháp kỷ luật đi kèm để làm sao nâng cao kỷ cương, kỷ luật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ với cán bộ, công chức”.

Trước đó, theo báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao, từ 1/10/2015 đến 31/7/2016, các tòa án đã giải quyết hơn 320.000 vụ án các loại. Đáng chú ý, các vụ án lớn, trọng điểm được dư luận xã hội quan tâm đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.

Về việc thực hiện bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các Tòa án đã thụ lý 7 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của tòa án và đã giải quyết dứt điểm được 1 vụ./.