Ông Trần Văn Thêm - tử tù với vụ án oan kéo dài hơn 40 năm vừa được Liên ngành Tư pháp Trung ương công khai xin lỗi ngày 11/8 tại tỉnh Bắc Ninh.
Từ vụ ông Trần Văn Thêm, hay những vụ án oan ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén cho thấy, công tác cải cách tư pháp hiện đã có những bước tiến mới, tôn trọng quyền công dân, quyền con người đã được ghi trong Hiến pháp năm 2013.
Ông Trần Văn Thêm vừa được liên ngành tư pháp Trung ương công khai xin lỗi |
Ông Trần Văn Thêm (ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh), bị cáo buộc đã giết em họ là Nguyễn Khắc Văn để cướp tài sản.
Lệnh tử hình chưa kịp thực hiện thì vào cuối năm 1974, Công an tỉnh Vĩnh Phú (cũ) nay là tỉnh Vĩnh Phúc bắt được một đối tượng cướp của.
Tại cơ quan điều tra, y khai nhận mình chính là hung thủ giết người tại lều cắt tóc. Do vậy, đầu năm 1976, ông Thêm được quyết định tha và trả lại tự do.
Nhưng mãi đến ngày 11/8/2016, ông Thêm mới được các cơ quan tư pháp xin lỗi công khai.
Ông Bùi Ngọc Hòa - Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao cho biết nguyên nhân của chậm trễ này: “Lẽ ra đối với người trực tiếp phạm tội phải có quyết định truy tố, với người bị oan phải có quyết định đình chỉ điều tra. Tuy nhiên, do vụ án xảy ra đã rất lâu, trong thời kỳ chiến tranh, sau 1975 thì việc chia tách tỉnh, phần nào việc chuyển giao các tài liệu đang trong quá trình điều tra có phần nào thiếu sót”.
Thiếu sót trong vụ án oan ông Trần Văn Thêm thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung.
Sau khi cấp giám đốc thẩm tuyên hủy hai bản án, để điều tra, xét xử lại từ đầu, các cơ quan tiến hành tố tụng đã vào cuộc điều tra.
Trong giai đoạn đó, ngoài tài liệu trinh sát đã có lập chuyên án để điều tra và có cơ sở kết luận được rằng là ông Trần Văn Thêm không phạm tội giết người.
Thế nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng lại chậm ban hành quyết định theo luật khiến một công dân phải chịu oan ức suốt quãng thời gian dài hơn 40 năm.
Từ vụ án oan này, các cơ quan liên quan đều phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Ông Lê Tư Quỳnh - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội nói: “Bài học đối với vụ án này thì tất cả các cơ quan tố tụng đều phải rút ra cho mình. Cơ quan điều tra thì cũng có rút kinh nghiệm đối với giai đoạn điều tra, cơ quan kiểm sát cũng rút kinh nghiệm với giai đoạn kiểm sát điều tra và truy tố và cơ quan tòa án cũng rút kinh nghiệm giai đoạn xét xử”.
Pháp luật hình sự cùng nhiều quy định khác của các ngành đã chấn chỉnh, đề ra những biện pháp như lắp camera, cho luật sư tham gia quá trình tố tụng từ khi điều tra, nhưng trên thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ án oan sai.
Từ vụ án oan của ông Chấn, ông Nén, ông Thêm và nhiều vụ án khác, có thể thấy sai sót đều bắt nguồn từ việc nhục hình, bức cung.
Bên cạnh đó, mấy chục năm qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo không chỉ trong lĩnh vực hình sự mà nhất là lĩnh vực dân sự còn nhiều vấn đề chưa thỏa đáng.
Theo bà Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa XIII, trước đây vấn đề oan sai dường như không được xử lý, không ai nêu vấn đề này ra trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hiện nay, trước lối tư duy mới của ngành tư pháp đã thấy sai là sửa, sai là nhận, thậm chí nhận lỗi và đền bù, đó là sự thay đổi rất lớn về tư duy.
Sai thì phải sửa. Đó là lẽ thường tình. Sai là sửa với ngành tư pháp được dư luận đánh giá cao vì nó thể hiện bước tiến mới trong công tác cải cách tư pháp, tôn trọng quyền công dân, quyền con người đã được ghi trong Hiến pháp. Tuy nhiên để thực sự chống oan sai, còn nhiều vấn đề tiếp tục cần phải làm.
Bà Bùi Thị An nói: “Tôi nghĩ rằng nêu được mấy vụ là tốt. Tôi đề nghị nên nên rà soát lại xem còn vụ nào oan sai, đặc biệt là những người ở vùng không được tiếp cận với công nghệ thông tin nhiều như vùng sâu, vùng xa, miền núi. Cố gắng rà soát lại để xử lý oan sai cũ, cố gắng nâng cao trình độ thẩm phán làm thế nào để có trách nhiệm vì dân, tôn trọng người dân”.
Sau gần 3 năm, thực hiện theo Hiến pháp mới, công tác cải cách tư pháp đang được các ngành, các cấp triển khai tích cực.
Từ những vụ án oan trong thời gian qua cho thấy, cần chú trọng hơn nữa đến công tác cán bộ và hoạt động của ngành tư pháp. Đảm bảo nguyên tắc khách quan khi điều tra, độc lập trong xét xử; tranh tụng tại tòa là rất quan trọng để chống oan sai./.
Công bố đình chỉ điều tra, công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm