Vụ án đã được khởi tố. Có nghi phạm đã bị tạm giữ, có nghi phạm đang bị truy nã. Tội phạm phải bị trừng trị theo luật pháp. Cái ác phải bị đẩy lùi và ngăn chặn từ gốc. Tuy nhiên, xung quanh “vụ án vườn điều” này ở Đắc Nông còn có nhiều điều trăn trở. Vì sao những người nông dân chất phác trong chốc lát trở thành hung thủ giết người ?
Họ đã phạm tội nghiêm trọng khi dùng súng tự chế bắn chết tại chỗ 3 người và làm 16 người khác bị thương. Những người bị giết, bị thương đều là lao động, là người làm thuê cho một công ty tư nhân để kiếm miếng cơm qua ngày. Kẻ thủ ác là những nông dân ít học, ít hiểu biết pháp luật, khi bị dồn vào đường cùng đã trở thành hung thủ giết người.
Nói là đường cùng bởi, gần 10 năm trước nhiều người trong số họ đã một lần bị xua khỏi nương rẫy của mình để nhường đất cho dự án thu gom đất ở Bình Phước.
Nhiều quan chức “ăn đất” ở Bình Phước hồi ấy đã bị kỷ luật nhẹ nhàng, qua quýt. Còn người dân mất đất trôi dạt từ Bù Đăng của Bình Phước đến vùng rừng thâm u giữa xã Quảng Trực và Đắc Ngo của huyện Tuy Đức - tỉnh Đắc Nông thì chẳng ai đoái hoài.
Để mưu sinh, họ lại cần mẫn khai đất, dựng nhà, trồng cây. Những khoảnh rừng họ khai phá năm nào, giờ là vườn điều đang cho thu hoạch. Song, vì vườn tược, nhà cửa được xây dựng trên đất rừng, nên họ không được hợp thức một tấc nào để ở hay canh tác. Đất đai ở đây màu mỡ, phù hợp cho việc trồng cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc. Vì thế, đó cũng là miếng mồi béo bở, khiến lắm kẻ rắp tâm chiếm đoạt.
Mấy năm trước, ở đây có chuyện chưa từng diễn ra ở bất cứ nơi nào. Đó là vào mùa thu hoạch nông sản họ vận chuyển ra trung tâm huyện để tiêu thụ thì bị chặn xe, bị bắt, bị tịch thu. Cơ quan chức năng nói lí do là những sản phẩm đó do phá rừng mà có, nên phải tịch thu để ngăn chặn phá rừng !? Cái cách quản lí rừng và đất rừng như thế thì rừng không bị phá, đất rừng không bị xâm canh, lấn chiếm, tranh chấp mới là chuyện lạ.
Lực lượng chức năng làm việc tại hiện trường. |
Điều trăn trở nữa xung quanh những vườn điều nơi đây, đó là thái độ đối xử của chính quyền đối với những người đã đổ mồ hôi nước mắt gây dựng nên cuộc sống còn khó khăn vất vả của chính họ và gia đình họ. Nếu như sáng ngày 23/10, khi lực lượng lao động của Công ty Long Sơn đưa máy ủi đến cày phá vườn điều của ông Hoàng Văn Thắng có sự hiện diện của chính quyền, thì sự việc có nghiêm trọng như đã diễn ra không? Chính quyền ở đâu, có bảo vệ cho người dân không?
Xin nói rõ thêm là việc tranh chấp đất ở tiểu khu 1535 giữa Công ty Long Sơn và các hộ gia đình nơi đây diễn ra đã nhiều năm. Chính quyền xã, huyện và tỉnh đều tường tận, nhưng điều đáng tiếc vẫn xảy ra, và khi cơ quan chức năng và chính quyền biết tới thì mọi chuyện đã rồi.
Khi mà hậu quả không thể sửa chữa nổi nữa thì tỉnh nói rằng đã yêu cầu giữ nguyên trạng những nơi tranh chấp để làm rõ, nhưng Công ty Long Sơn tự ý phá vườn điều của dân để lấy lại đất mà không thông báo.
Lãnh đạo UBND tỉnh thăm hỏi nạn nhân. |
Trong hơn một ngàn ha cho Công ty Long Sơn thuê có 147 hộ dân đang lấn chiếm tới già nửa diện tích, đang trồng hơn 400 ha điều, hàng chục ha cao su, cà phê và một ít hồ tiêu. Trong số này, hơn 300 ha điều được trồng từ trước năm 2008, tức là thời điểm Công ty Long Sơn được phê duyệt cho thuê đất làm dự án nông lâm kết hợp.
Biết rõ như thế, nhưng từ năm 2008 đến nay, chính quyền các cấp ở đây hầu như không quan tâm đến quyền lợi của cả người dân cũng như doanh nghiệp. Người dân mất đất, mất kế sinh nhai, họ đi đâu, về đâu? Điều này Công ty Long Sơn không quan tâm thì còn dễ lí giải.
Nhưng những người tham mưu rồi những người cùng đặt bút phê duyệt dự án nông lâm kết hợp này mà cũng chẳng nghĩ đến thì rõ ràng là thiếu trách nhiệm. Phải chăng vì lợi ích đo đếm được ngay tức thì mà họ nhắm mắt, bút phê…
Còn thực tế thì không ít người dân nơi đây bị hăm dọa đã miễn cưỡng nhận khoản tiền đền bù bèo bọt, rồi nhường đất cho Công ty Long Sơn thực hiện dự án. Họ, hoặc là mặc nhiên trở thành người làm thuê ngay trên chính mảnh đất mình khai phá, hoặc trôi dạt đi nơi khác, rồi lại điệp khúc phá rừng làm nương rẫy. Số còn lại cố bám víu cho đến sáng ngày 23/10, khi bị dồn vào thế không còn gì để mất, đã trở thành những kẻ sát nhân.
Tình trạng buông lỏng quản lý, để mất rừng rồi lại được đất một cách hợp pháp cứ lặp đi lặp lại, không chỉ xung quanh những vườn điều vừa xảy ra vụ án nghiêm trọng ở Đắc Nông, mà còn có thể thấy ở nhiều nơi tại Tây Nguyên, chỉ là với những hình thức và biểu hiện khác nhau mà thôi.
Còn một điều trăn trở nữa xung quanh những vườn điều ở Đắc Nông, đó là về ý tưởng thành lập một xã mới, tách ra từ 2 xã Quảng Trực và Đắc Ngo của huyện Tuy Đức. Những người có trách nhiệm và người dân bị đẩy vào đường cùng đã trông chờ điều đó từ nhiều năm nay rồi.
Hi vọng sau cơn mưa trời lại sáng. Điều tốt đẹp đó, quyết định đúng đắn đó sẽ sớm thành hiện thực./.