Công chứng, chứng thực cần phải hiểu như thế nào?
Luật sư Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Công ty Luật ALadin giải thích:
Về bản chất thì công chứng và chứng thực là việc chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của văn bản, chữ ký hoặc hợp đồng, giao dịch. Tuy nhiên, công chứng và chứng thực là hai khái niệm, hoạt động hoàn toàn khác nhau.
- Công chứng, theo quy định tại khoản 1, Điều 2, Luật Công chứng năm 2014, là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
- Chứng thực, theo quy định tại Điều 2, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để xác nhận bản sao là đúng với bản chính, xác nhận chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực hoặc xác nhận về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Công chứng, chứng thực được thực hiện ở đâu?
Theo quy định tại Điều 44 Luật Công chứng năm 2014, việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng (Phòng Công chứng thuộc Sở Tư pháp hoặc Văn phòng Công chứng). Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 10, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ, thì việc chứng thực được thực hiện tại trụ sở cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực, trừ trường hợp chứng thực di chúc, chứng thực hợp đồng, giao dịch, chứng thực chữ ký mà người yêu cầu chứng thực thuộc diện già yếu, không thể đi lại được, đang bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác.
Nhận hộ lương hưu có bắt buộc phải chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền không?
Luật sư Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Công ty Luật ALadin cho biết: Pháp luật hiện nay không có quy định chung về những hợp đồng, giao dịch nào bắt buộc phải chứng thực chữ ký. Do đó, tùy từng trường hợp cụ thể hoặc các yêu cầu của từng thủ tục khác nhau mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ có quy định về việc chứng thực chữ ký.
Đối với lĩnh vực Bảo hiểm Xã hội, tại Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp quy định quy trình giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tại Biểu mẫu số 13-HSB - Giấy ủy quyền đã thể hiện rất rõ yêu cầu về việc phải chứng thực chữ ký của người ủy quyền. Vì vậy, giấy ủy quyền nhận lương hưu bắt buộc phải thực hiện thủ tục chứng thực chữ ký tại chính quyền địa phương hoặc của tổ chức hành nghề công chứng./.