Đường dây này do hai đối tượng Trương Hồng Phong (33 tuổi, trú tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa) và Đinh Văn Tân (52 tuổi, trú tại xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) điều hành. Đối tượng mà Phong và Tân nhằm vào là những người đang trong độ tuổi lao động, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cần việc làm có thu nhập cao…

dua%20nguoi%20trai%20phep.jpg
Đối tượng vụ án

Thủ tục xuất cảnh nhanh gọn, chi phí thấp, không cần bằng cấp trong khi mức thu nhập tương đương với khoảng từ 6 - 7 triệu đồng tiền Việt Nam là miếng bánh vẽ mà Phong và Tân đưa ra, nhằm thu hút những người lao động, nhẹ dạ, thiếu hiểu biết về pháp luật.

Liên quan đến 2 vụ án trên, ngày 20/3, Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Phong và Tân về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép.

Trước khi trở thành bị can trong hai vụ án này, Trương Hồng Phong và Đinh Văn Tân đều từng có thời gian sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp. Theo lời khai của Phong tại cơ quan an ninh điều tra, khoảng đầu năm 2013, nghe theo sự dẫn dắt của người quen, Phong cùng vợ sang Trung Quốc lao động. Về phần Tân, giữa năm 2012, đối tượng này cũng xuất cảnh trái phép sang Quảng Đông (Trung Quốc) làm thuê cho một xưởng mạ Inox tại đây.

Quá trình sinh sống và làm việc nơi đất khách quê người, Phong và Tân đã bắt mối với các đối tượng ở bên kia biên giới, hình thành các đường dây đưa người trốn ra nước ngoài trái phép. Các đường dây này hoạt động theo một vòng tròn khép kín, có sự câu kết chặt chẽ giữa đối tượng trong và ngoài nước, từ khâu đưa, dẫn đến đưa vào các cơ sở lao động chui ở bên kia biên giới.

Sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ là thời điểm Tân và Phong tích cực hoạt động, đối tượng mà chúng nhằm vào là những người đang trong độ tuổi lao động, không có việc làm… Sau khi lén lút gặp gỡ, Tân và Phong sẽ hẹn địa điểm, thời gian. Hầu hết những người đi lao động đều có quan hệ làng xóm hoặc họ hàng với Tân và Phong. Số khác thì từng biết Phong và Tân vừa từ Trung Quốc trở về có một số vốn kha khá nên dễ dàng đặt niềm tin.

Trong các vụ việc này, bản thân những người đi lao động cũng vi phạm pháp luật, tổ chức xuất cảnh trái phép qua biên giới… Song vì thế, mà việc gặp gỡ và thỏa thuận giữa các đối tượng cũng được tiến hành một cách âm thầm và khép kín.

Nắm bắt được quy luật của người đi lao động ở tỉnh xa về quê ăn Tết Nguyên đán, thường ra Tết là thiếu việc làm, Phong và Tân tích cực hoạt động. Qua công tác quản lý địa bàn, Phòng ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp với Công an huyện Thanh Sơn và Hạ Hòa có thông tin về hoạt động của Phong và Tân. Các mũi trinh sát sau đó đã bí mật nắm bắt di biến động của 2 đối tượng này.

Ngày 28/2, cùng lúc hai tổ công tác của các đơn vị, dưới sự chỉ đạo của Phòng ANĐT chia làm hai mũi, tổ chức mật phục. Khoảng 15h cùng ngày, tổ công tác thứ nhất bắt quả tang Phong đang tổ chức cho 14 người lao động ở các xã Đại Phạm, Hiền Lương, Đan Hà… lên xe khách chuẩn bị sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp.

Cùng thời điểm này, tại bến xe Thanh Sơn (Phú Thọ), tổ công tác thứ 2 đã bắt quả tang Tân đang đưa 9 người lao động lên ôtô để ra Móng Cái. Quá trình củng cố tài liệu, đấu tranh với Phong và Tân, lực lượng đánh án gặp rất nhiều khó khăn do sự đối phó của hai đối tượng này. Bên cạnh đó là sự bất hợp tác của một số trường hợp là người đi lao động, do sợ bị xử lý về hành vi xuất cảnh trái phép, nhiều trường hợp không khai báo đúng sự thật. Số khác vì coi Tân và Phong như ân nhân vì đã tìm việc làm cho mình nên cố tình che giấu, chỉ nói là lên cửa khẩu tìm việc, song bằng những chứng cứ thu thập được, cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã có căn cứ làm rõ toàn bộ vụ án, chứng minh hành vi phạm tội của Phong và Tân.

Theo lời khai của Phong tại cơ quan ANĐT thì qua một đối tượng ở Bắc Giang mà Phong bắt mối vào đường dây tổ chức đưa người khác trốn ra nước ngoài trái phép. Theo đó, Phong có trách nhiệm tập hợp người rồi thuê xe ôtô chở lên cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn). Tại đây, Phong sẽ liên lạc với đối tượng người Bắc Giang, bố trí người ra đón. Đối tượng sẽ đưa Phong và những người có nhu cầu đi lao động trái phép vượt biên sang Trung Quốc qua đường mòn, chi phí để đưa đường là 300.000 đồng/người. Trong trường hợp này, người có nhu cầu đi lao động không phải làm bất cứ một thủ tục nào qua lại biên giới…Sau khi qua biên giới, họ sẽ được đối tượng người Bắc Giang bố trí nơi làm việc. Tuy nhiên sau khi nhận người xong, người lao động sẽ bị trừ 600 NDT/người, tương đương với khoảng 2 triệu đồng tiền Việt Nam.

Về phần Phong, trước đó đối tượng này thu của mỗi người có nhu cầu đi lao động là 1 triệu đồng, trừ chi phí tiền tàu xe, mỗi người Phong cũng kiếm được khoảng từ 200.000-300.000 đồng. Cũng giống như Phong, Tân cũng chỉ là một mắt xích trong đường dây đưa người. Mỗi trường hợp xuất cảnh trái phép hoàn tất, Tân cũng nhận được vài trăm nghìn đồng/người. Phong và Tân đều là những người từng xuất cảnh trái phép ra nước ngoài. Hơn ai hết, các đối tượng hiểu rõ được những rủi ro, nguy hiểm những người lao động phải đối mặt khi sống bất hợp pháp trên lãnh thổ nước ngoài…nhưng vì khoản lợi nhuận trước mắt, cả hai đã cố tình cho qua.

Trao đổi phóng viên chiều 20/3, Thượng tá Trần Hưng, Phó trưởng Phòng ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có khoảng 2.000 người ra nước ngoài bất hợp pháp. Các trường hợp này thường tập trung ở những xã vùng sâu, vùng xa, nơi người dân thiếu hiểu biết về pháp luật. Việc xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động chứa đựng nhiều rủi ro. Vì thế, cùng với việc đấu tranh, Phòng ANĐT cũng phối hợp với các đơn vị và chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân về phương thức và thủ đoạn của các đối tượng phạm tội để phòng ngừa./.