Theo bản khai của ông Goh Hoon Seow, ông này cho biết, là giám đốc điều hành của Công ty Addpower Pte Ltd (Công ty AP) và đại diện cho công ty trong việc mua bán ụ nổi 83M.
Ông Goh biết ông Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines và các con của ông trong thời gian họ học tập tại Singapore. Tuy nhiên, ông Goh khẳng định chưa từng liên hệ và trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với ông Dũng về việc bán ụ nổi 83M.
Theo lời khai của ông Goh: "Việc thương thảo được tiến hành giữa ông Goh và các cán bộ đại diện Vinalines mà ông Sơn là người đứng đầu?". |
“Tôi cũng chưa từng liên hệ hay trao đổi với ông Phúc - cựu Tổng giám đốc Vinalines về việc mua bán ụ nổi 83M này. Chỉ duy nhất một lần tôi đến chào xã giao ông Phúc tại trụ sở Vinalines tại Hà Nội, cùng đi có các ông Chiều, Sơn và một phiên dịch”, ông Goh khai.
Do có quan hệ từ trước, ông Goh được Công ty Global Success (GS) tiếp cận để tư vấn về phương thức giao và bảo hiểm cho việc giao ụ nổi. “Tôi đã khai báo điều này với cơ quan điều tra Việt Nam theo biên bản tờ khai ngày 2/11/2012”, ông Goh khẳng định.
Trước khi ông Goh tham gia việc bán ụ nổi 83M, Công ty GS từng đàm phán với Vinalines. Chủ sở hữu ụ nổi 83M chỉ muốn bán ụ nổi thông qua công ty của mình ở nước ngoài theo phương thức FOB qua Nakhodka, Nga trong khi Vinalines muốn mua theo phương thức CIF- giao tại cảng Việt Nam.
Khi việc đàn phán đi đến chỗ bế tắc, Công ty GS đã tiếp cận Công ty AP đề nghị AP làm bên trung gian giúp thực hiện giao dịch mua bán. “Lần đầu tiên tôi gặp đoàn cán bộ Vinalines đi mua ụ nổi tại Vladivostok, Nga”, ông Goh nói.
Sau khi cả Công ty GS và Vinalines đồng ý về việc mua bán ụ nổi 83M qua AP, một văn bản chào bán chính thức đã được AP gửi cho Vinalines theo hướng dẫn của GS và sau đó việc thương thảo mua bán ụ nổi bắt đầu. Việc thương thảo được tiến hành giữa ông Goh và các cán bộ đại diện Vinalines mà ông Sơn là người đứng đầu.
Công ty AP và Công ty GS đã ký thỏa thuận nhằm tạo cơ sở cho Công ty AP hoạt động với tư cách môi giới cho Công ty GS. Các điều kiện của thỏa thuận bán do Công ty GS đưa ra và quyết định.
Trong quá trình trao đổi và đàm phán với ông Trần Hải Sơn và những người của ông Sơn đại diện cho Vinalines, ông Goh không nói bất cứ điều gì về việc lại quả. “Theo tôi biết, ông Sơn không nói được tiếng Anh. Mọi trao đổi và thương thuyết giữa tôi với ông Sơn được thực hiện thông qua phiên dịch”, ông Goh nói.
Việc thanh toán mua ụ nổi 83M được thực hiện dưới hình thức tín dụng thư của Vinalines theo thỏa thuận mua bán. Số tiền gần 1,67 triệu USD là một phần của khoản thanh toán theo tín dụng thư để trả cho việc chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổi 83M. Trước khi thỏa thuận được ký. Công ty AP không hề biết công ty Phú Hà.
“Tôi không hề yêu cầu ông Sơn phải mở tài khoản của Công ty Phú Hà tại Ngân hàng UOB. Tên Công ty Phú Hà xuất hiện lần đầu tiên khi Công ty GS thông báo cho AP về tên công ty sẽ nhận khoản thanh toán cho việc chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổi 83M, sau khi tín dụng thư được phát hành. Chi tiết về tài khoản của Công ty Phú hà là do ông Sơn thông báo cho Công ty AP để tôi thực hiện việc thanh toán theo tín dụng thư cho Công ty Phú Hà theo thỏa thuận. Tôi chưa bao giờ trao đổi với ông Dũng và ông Phúc về khoản tiền 1,67 triệu USD”, ông Goh khai.
Theo yêu cầu của ông Sơn, ông Goh ký một thỏa thuận đầu tư dự án khai thác điểm thông quan nội địa ngay sau khi hoàn tất thỏa thuận mua bán ụ nổi 83M. “Tôi cũng không hề giữ bản sao nào của thỏa thuận này hay tham gia vào hoạt động nào của công ty liên doanh. Tôi nhớ là sau đó cũng theo yêu cầu của ông Sơn, một bộ chứng từ đã được ký để dừng hoạt động của liên doanh”, ông Goh nói.
Cuối bản khai, ông Goh khẳng định: “Những điều tôi khai trên đây là theo đúng quy định của Đạo luật khai báo và tuyên hệ (khoản 22); nếu khai man tôi xin chịu mọi hình phạt theo quy định của Luật và tôi cũng cam đoan rằng những điều khai ở trên là hoàn toàn đúng sự thật”./.