Sau khi báo chí thông tin về “Hàng loạt vụ lừa bắt cóc để tống tiền qua điện thoại” xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội đầu tháng 7/2013, hành vi lừa đảo này tạm lắng một thời gian và bắt đầu quay trở lại từ giữa tháng 10/2013 với thủ đoạn tinh vi hơn.

Điển hình như ngày 28/10/2013, đối tượng sử dụng điện thoại có mã số nước ngoài rồi gọi vào di động của ông Khanh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) với nội dung là chúng đang giữ con ông vì con trai ông nợ đối tượng số tiền 120 triệu đồng. Để cho bị hại tin tưởng thì đối tượng còn giả giọng con trai ông Khanh vừa nói vừa khóc: “Bố ơi, con bị nạn rồi, chúng nó đánh con”.

Ông Khanh tưởng là con trai mình vội thỏa thuận, hiện chỉ có 50 triệu đồng. Đối tượng yêu cầu ông Khanh chuyển vào tài khoản ngân hàng, đồng thời chúng buộc ông giữ liên lạc không được tắt máy nhằm mục đích không cho ông Khanh thời gian xác minh thông tin.

Sau khi chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho các đối tượng trên, ông Khanh gọi điện thoại cho con trai xác minh thông tin thì mới biết mình bị lừa.

Vụ mới nhất xảy ra ngày 6/11, đối tượng sử dụng điện thoại mã vùng quốc tế gọi tới máy cố định của bà Nga (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Khi nghe chuông điện thoại reo thì bà nghe tiếng một thanh niên xưng là Dũng và nói: “Cháu vay tiền của người ta, nay bị họ giữ lại và đánh, bác cứu cháu”.

Sau đó giọng một nam thanh niên khác yêu cầu ông bà phải trả nợ giúp cháu của mình 300 triệu đồng. Hoảng loạn, bà Nga đem tiền cho chồng. Chồng bà Nga xin thả cháu rồi gặp nhau nói chuyện thống nhất việc trả tiền thì đối tượng yêu cầu phải trả ngay 100 triệu đồng. Khi chồng bà Nga hỏi thanh niên bên kia đầu dây, Dũng tên đầy đủ là gì thì đối tượng tắt máy.

Ngoài hành vi yêu cầu đòi tiền chuộc vì nợ nần, các đối tượng còn có điện thoại đến gia đình bị hại để yêu cầu tiền chuộc vì đang bắt cóc con cái của gia đình họ. Điển hình như ngày 5/11, chị Kim Oanh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thấy có cuộc gọi điện đến số cố định thông báo chúng đã bắt cóc con của chị và chúng đòi tiền chuộc 300 triệu đồng.

Chúng yêu cầu chị Kim Oanh dùng điện thoại di động để liên lạc vay tiền, đồng thời để máy cố định cho chúng theo dõi. Tuy nhiên, chị Kim Oanh đã nhắn tin đến trường và biết con mình vẫn an toàn nên đã nhanh chóng trình báo với cơ quan công an.

Theo thông tin từ Phòng Phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC 50) – Công an Hà Nội, từ giữa tháng 10 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra ít nhất 20 vụ lừa bắt cóc, tống tiền qua điện thoại, trong đó có hơn 1/2 bị hại đã mang tiền đi nộp cho những đối tượng lừa đảo này.

Cơ quan điều tra cho biết, việc giao và nhận tiền qua tài khoản diễn ra rất nhanh chóng. Khi người bị hại vừa gửi tiền thì chỉ mất khoảng 1-2 phút, số tiền đó đã được chúng rút khỏi tài khoản. Hầu hết bị hại không kịp thông báo cho người thân của mình. Cá biệt có trường hợp, sau khi nhận tiền xong, đối tượng còn thông báo cho bị hại là: “ông đã bị lừa rồi”.

Theo cơ quan điều tra, để có thông tin của gia đình bị hại không quá khó, chúng có thể giả là cơ quan chức năng, hoặc một đơn vị tiêu dùng gọi điện đến hỏi thăm tên, tuổi người trong gia đình. Ngoài ra chúng cũng có thể lấy thông tin từ internet, mạng xã hội…

Lãnh đạo PC 50 cũng cho biết, đa số những người bị các đối tượng này gọi điện lừa bắt cóc, tống tiền là phụ nữ và người già.

Hiện vụ việc đang tiếp tục được cơ quan công an điều tra làm rõ./.