Đa số các cán bộ có chức danh trong sơ đồ tổ chức bảo dưỡng đều có sai phạm. Văn hoá an toàn hàng không không được triển khai đầy đủ theo cam kết. Các cán bộ chủ chốt của Jetstar Pacific Airlines phải chịu trách nhiệm chính về lỗi hệ thống này. Đây là kết luận chính thức của Cục Hàng không Việt Nam, công bố vào ngày (11/1), sau đợt thanh tra chuyên ngành về bảo đảm an toàn bay của Cục Hàng không Việt Nam đối với hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines.

JPAs-450.gif
Theo ông Lại Xuân Thanh - Cục phó Cục Hàng không Việt Nam, Jetstar Pacific Airlines đã có nhiều lỗi vi phạm về nhiều mặt hoạt động của tổ chức bảo dưỡng tàu bay, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn bay. Cụ thể là lỗi liên quan đến tổ chức bộ máy, nhà xưởng bảo dưỡng tàu bay, thiết bị của tàu bay; giấy phép, chứng chỉ của nhân viên bảo dưỡng tàu bay như: Jetstar Pacific Airlines được Cục Hàng không Việt Nam cấp Chứng chỉ tổ chức bảo dưỡng tàu bay theo Quy chế hàng không VAR-145 (gọi tắt là Tổ chức VAR-145). Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của tổ chức bảo dưỡng trên thực tế không đúng với mô hình nêu trong Tài liệu Điều hành bảo dưỡng (MMOE). Đối với quy trình bảo dưỡng và cơ chế giám sát việc bảo dưỡng tàu bay: Lỗi lớn nhất của Jetstar Pacific Airlines là đã xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng bảo dưỡng hoạt động rất kém, vai trò của hệ thống bảo đảm chất lượng bảo dưỡng gần như không có; để xảy ra nhiều sai phạm trong quy trình bảo dưỡng. Nhiều phi công, thợ kỹ thuật có lỗi như không ghi nhật ký, thực hiện những lỗi bảo dưỡng, có trường hợp phi công chuyến bay không ghi lại sự bất thường khi hạ cánh vào Nhật ký kỹ thuật; có trường hợp hỏng hóc không được kiểm soát đúng trạng thái, không kiểm tra sự phù hợp giữa thực tế và hồ sơ kỹ thuật; nhiều trường hợp hỏng hóc sau khi sửa chữa không được kiểm tra không phá huỷ, kiểm tra rò rỉ theo quy định... Ngoài ra, kết luận cũng chỉ rõ: Thực tế Jetstar Pacific Airlines đã không thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của cơ quan chức năng. Nhiều lỗi, vi phạm do cố tình che dấu của Jetstar Pacific Airlines nên việc giám sát đã không phát hiện được.

Trước những sai phạm này, Cục Hàng không Việt Nam quyết định: Thu hồi năng định mức A của chứng chỉ phê chuẩn bảo dưỡng tàu bay của Jetstar Pacific Airlines; Hủy bỏ phê chuẩn chức danh trong tổ chức điều hành bảo dưỡng của Jetstar Pacific Airlines (trong MMOE) đối với các ông, bà sau: Ông Lương Hoài Nam, nguyên Tổng Giám đốc; ông Atanas Stankov-Trưởng phòng chất lượng kỹ thuật; ông David Andrew- Trưởng phòng bảo dưỡng; Thu hồi công nhận chứng chỉ thợ kỹ thuật đối với ông John Louis Korgul. Đồng thời, yêu cầu Công ty cổ phần hành không Jetstar Pacific Airlines: Xây dựng lại hệ thống giám sát bảo đảm chất lượng nhằm kiểm soát có hiệu quả hoạt động của Jetstar Pacific Airlines nói chung và của tổ chức bảo dưỡng tàu bay nói riêng; Sắp xếp, tổ chức lại bộ máy đảm bảo quyền kiểm soát hữu hiệu của phía Việt Nam; kiểm điểm, rà soát, chấn chỉnh lại công tác giám sát an toàn đối với Jetstar Pacific Airlines… Kết luận chỉ rõ: Thanh tra Hàng không có nhiệm vụ xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính, cố tình che giấu, bất hợp tác với đoàn thanh tra; thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về vi phạm của Jetstar Pacific Airlines trong việc sử dụng lao động người nước ngoài. Giám sát chặt chẽ các hành động của Jetstar Pacific Airlines đảm bảo không có sự trù dập những nhân viên hợp tác với đoàn thanh tra. Tổng thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra, Tổng giám đốc Công ty cổ phần hành không Jetstar Pacific có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện. Kết quả thực hiện báo cáo về Cục Hàng không Việt Nam trước ngày 20/2/2010./.