PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện-Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP HCM khẳng định như vậy về đề xuất truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi “tự chuyển hóa”, “lợi ích nhóm”…
Phóng viên: Những hành vi “tự chuyển hóa”, “suy thoái đạo đức lối sống” hay “lợi ích nhóm”… vừa được đề xuất hình sự hóa khi góp ý cho dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi). Đề xuất này khiến dư luận ngạc nhiên vì “lạ”. Dưới góc nhìn nhà làm luật, PGS nhìn nhận thế nào?
PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện: Việc truy cứu trách nhiệm hình sự tác động trực tiếp đến các quyền tự do của công dân, đến tài sản và phẩm giá của con người. Bởi vậy, cơ sở quy trách nhiệm phải rõ ràng, chắc chắn. Không thể đặt một điều luật định tội danh chung chung, mang tính nguyên tắc, rồi cho phép quy kết một hành vi nào đó là tương ứng với tội danh đó bằng cách áp dụng tương tự pháp luật.
Tự chuyển hóa; suy thoái đạo đức, lối sống; lợi ích nhóm là những cụm từ lâu nay được dùng để chỉ biểu hiện tiêu cực trong thái độ sống, tác phong sinh hoạt, làm việc của quan chức. Có thể những biểu hiện này khiến dư luận, người dân bức xúc, bất bình. Nhưng tự thái độ, tác phong tiêu cực chưa đủ để cấu thành một tội phạm. Suy cho cùng, đó chỉ mới là điều kiện, là môi trường thuận lợi để tội phạm sinh sôi: do tự chuyển hóa mà sinh ra ăn cắp của công, nhận hối lộ…
Phải ăn cắp, nhận hối lộ thì mới thành tội. Cũng như người cha trong gia đình mà bê tha, bỏ bê vợ con thì đáng phê phán nhưng nếu chưa có hành vi ngược đãi, bạo hành vợ con thì chưa xử tội được.
Phóng viên: Lợi ích nhóm liên quan mật thiết với tham nhũng. Có ý kiến cho rằng Luật Phòng chống tham nhũng đã có rồi, vậy đề xuất truy cứu trách nhiệm hình sự tội danh “lợi ích nhóm” là không cần thiết?
PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện:Vấn đề không phải là cần thiết hay không mà là bản thân “lợi ích nhóm” liệu đã đủ để bị coi là tội phạm chưa? Đối với vấn đề này thì tôi đã khẳng định: “Lợi ích nhóm” là thái độ sống ích kỷ, vụ lợi riêng, đáng phê phán. Nhưng một khi nó chưa biểu hiện thành hành động vơ vét trái luật thì chỉ có thể phê phán, thậm chí có thể xử lý, chế tài bằng kỷ luật của tổ chức song không thể trấn áp bằng luật hình.
Phóng viên: Trước nay nói về “lợi ích nhóm” rất nhiều nhưng “bắt tận tay, day tận trán” để chứng minh có lợi ích nhóm đã khó, nói gì đến việc hình sự hóa để răn đe, ngăn chặn. Làm sao để chặn lợi ích nhóm?
PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện:Để ngăn chặn, hạn chế sự hoành hành của các nhóm lợi ích, điều quan trọng là phải đẩy mạnh dân chủ hóa và minh bạch hóa việc hoạch định và thực hiện chính sách, luật pháp để nhóm lợi ích không có điều kiện, cơ hội lũng đoạn.
Nhiều việc phải làm lắm. Chẳng hạn liên quan đến việc tuyển dụng, đề bạt trong khu vực công, phải xây dựng và bảo đảm việc áp dụng đúng bộ tiêu chí sát hạch khách quan; phải tạo điều kiện cho mọi người có thể tham gia sát hạch, cho phép phát hiện, sử dụng người tài. Liên quan đến quy hoạch đất đai, phải công bố các đồ án quy hoạch để người dân tham gia đóng góp ý kiến; phải có cơ chế đánh giá việc tiếp thu ý kiến của người dân, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”; phải thừa nhận quyền của người dân kiện đòi hủy một dự án quy hoạch vi hiến, trái luật. Liên quan đến quản lý giá xăng dầu, điện…, phải công khai quy trình sản xuất để làm rõ các yếu tố của giá thành…
Phóng viên: Các nước khác có những loại tội danh “khó hiểu” nói trên không, thưa ông?
PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện:Không./.
Khó luật hóa “suy thoái”…
Về đề xuất các tội danh mới đã nêu, TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội - đánh giá: Đề xuất đó cũng dựa trên tình hình thực tế ngày nay đã phát sinh nhiều hành vi gây nguy hiểm cho xã hội cần được luật hóa. Tuy nhiên, trong luật không thể quy định tội danh “suy thoái” mà hành vi này được chế tài ở những quy định về quan hệ gia đình khi con cháu ngược đãi cha mẹ, vi phạm quy định về hôn nhân - gia đình hay hiếp dâm, cướp tài sản, gây thương tích… Còn tội danh “lợi ích nhóm” thì cũng không khả thi mà đã được cụ thể hóa trong nhiều tội danh khác như lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái, cưỡng đoạt tài sản…
T.Dũng