Những đơn vị có số nợ lớn là Công ty CP Sông Đà 4 (hơn 5,5 tỷ, trong 27 tháng), Công ty CP Sông Đà 3 (4,8 tỷ, 20 tháng), Công ty cà phê Chư Pảh (2,4 tỷ, 26 tháng), Công ty cổ phần xi măng Sông Đà Ia Ly (hơn 2,5 tỷ, 12 tháng)... Việc nợ đóng BHXH của các doanh nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt của người lao động trong quá trình bị ốm đau, thai sản cũng như mức hưởng lương hưu khi đã đến tuổi. Mặc dù ngành BHXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm tra và kể cả xử phạt hành chính đối với những doanh nghiệp nợ đóng BHXH kéo dài, song tình hình vẫn chưa có những chuyển biến tích cực.

Có những đơn vị thu hút hàng trăm, thậm chí cả ngàn lao động đều "vui vẻ" chấp nhận mức xử phạt mỗi khi có đợt kiểm tra, hoặc chấp nhận mức đóng lãi suất theo ngân hàng trên tổng số tiền nợ. Bởi số tiền nợ đọng trên, các doanh nghiệp đã chiếm dụng và sử dụng vào mục đích khác có lợi hơn nhiều so với mức nộp phạt (tối đa 30 triệu đồng) hoặc nộp lãi suất; và cứ thế tình trạng nợ đọng BHXH ngày càng kéo dài và chồng chất. Đó là chưa nói đến việc "lách luật" của các doanh nghiệp trong quá trình sử dụng lao động, không đăng ký kê khai thời hạn làm việc của người lao động theo đúng thực tế mà chỉ kê khai hợp đồng làm việc theo thời vụ, nhằm tránh đóng BHXH cho người lao động. Theo ông Thới Văn Đạo - Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai, trong thời gian tới sẽ thực hiện việc khởi kiện ra toà đối với những doanh nghiệp nợ đọng BHXH lớn và kéo dài, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động. Đây được coi là biện pháp "mạnh tay" và có tính chất quyết định trong việc thu hồi nợ trong các doanh nghiệp, tránh tiền lệ "xấu" như trước đây xảy ra khá phổ biến.

Tỉnh đã thành lập Tổ công tác liên ngành gồm 7 đơn vị chức năng tham gia là BHXH tỉnh, Sở Tài chính, Thanh tra Nhà nước, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động, Sở Kế hoạch - Đầu tư và Cục Thuế tỉnh./.