Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) nhấn mạnh điều này khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.

PV:Ông nhìn nhận thế nào việc tụ tập đông người và có hành vi gây rối như ở một số địa phương vừa qua?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Câu chuyện mấy ngày qua cũng cho thấy người dân quan tâm, chia sẻ những vấn đề của đất nước. Một quốc gia mà người dân còn chia sẻ, can dự vào những chính sách của đất nước thì đó là điều đáng quý. 

Nếu có lực lượng nào xúi dục, kích bác, mua chuộc, cưỡng bức nhằm mục tiêu và ý đồ không tốt thì thế lực đó phải bị pháp luật trừng trị.

truong_trong_nghia_2_bcvc_sizk.jpg
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

Bình thường có những bức xúc về đất đai, hay có những hiện tượng lưu manh côn đồ là đã giải quyết thì hành vi đập phá, đốt phá tài sản dù, gây thương tích dù vì bất cứ động cơ, lý do gì đều là phạm pháp và phải trừng trị. Trật tự xã hội phải được đảm bảo, an toàn, an ninh phải được bảo đảm, đó là trách nhiệm của mỗi công dân, trách nhiệm của tất cả hệ thống chính quyền các cấp.

PV:Nếu có Luật Biểu tình thì tình trạng đó có thể kiểm soát được không, thưa ông?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Nghị quyết 49 năm 2005 của Bộ Chính trị chỉ ra vì sao làm  Luật Biểu tình và Luật về hội cũng như chỉ thị các cơ quan hữu quan xây dựng 2 luật đó, nhưng đến nay chưa ban hành được. Cũng đã bắt tay xây dựng rồi nhưng vướng một số vấn đề về nội dung cũng như yếu tố có tính kỹ thuật.

Quản lý xã hội bằng pháp luật là phương thức quản lý khoa học, văn minh. Càng phức tạp, càng nhạy cảm thì càng phải có luật để giải quyết.

Chuyện biểu tình, tụ tập đông người là chuyện nhạy cảm đối với các nước chứ không riêng Việt Nam, ngay nước Mỹ cũng vậy, chiếm phố Wall, chiếm công viên trước nhà trắng,... Các nước đều xử lý bằng luật, khi có luật rồi không có cãi. Và lực lượng của họ được huấn luyện chặt chẽ về việc xử lý như thế nào.

PV:Những vụ việc xảy ra vừa qua tì theo ông cần xử lý trên cơ sở nào?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Tôi thấy có mấy nguyên tắc: Thứ nhất, mọi cuộc tụ tập, từ bóng đá đến ca nhạc... nếu dùng bạo lực, ném đá, tấn công lực lượng giữ gìn trật tự, đốt phá, cướp bóc, bẻ rào, bẻ khoá đều là phạm pháp và phải kiên quyết ngăn chặn.

Thứ hai, những kẻ nào lợi dụng kích động, xuyên tạc, lôi kéo mua chuộc người dân đều vi phạm pháp luật, phải tìm cho ra để xử lý.

PV: Xin cảm ơn ông!./.