Trong các văn kiện, Nghị quyết của đảng về Cải cách tư pháp đều xác định: Tòa án có vị trí trung tâm xét xử là hoạt động trọng tâm trong hoạt động của mình. Tòa án cần đảm bảo cơ chế tham gia trực tiếp của người dân nhiều hơn, thực chất hơn- nhất là trong xét xử. Vậy Nhân dân tham gia vào hoạt động của Tòa án như thế nào, cơ chế Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử cần đổi mới ra sao để thực sự hiệu quả hơn?
Tăng niềm tin của nhân dân vào công lý
Hội thẩm nhân dân tham gia các phiên tòa đã được thực hiện kể từ khi có Luật tổ chức Tòa án cách đây hơn 50 năm. Chế định hội thẩm nhân dân là một trong những chế định bắt buộc, có tính quyết định đến các bản án sơ thẩm trong hoạt động tư pháp. Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị- Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, việc tham gia của nhân dân vào quá trình xét xử tức tham gia thực hiện quyền lực Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo các bản án tuân thủ pháp luật và chuẩn mực về công lý, tạo ra niềm tin của công chúng vào công lý, đồng thời cũng là một cơ chế kiểm soát quyền lực.
“Người dân tham gia vào hoạt động xét xử không phải mang đến các quyết định tư pháp bằng kiến thức chuyên môn, mang đến HĐXX những quan niệm về đạo đức, về lẽ phải của xã hội. Chính vì vậy, xu hướng cải cách tư pháp là tăng cường sự tham gia của Nhân dân vào phán quyết của quyền lực Nhà nước, qua đó giám sát quyền lực nhà nước”- ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Hiện nay cả nước đã có gần 17.300 hội thẩm nhân dân và gần 400 hội thẩm quân nhân. Trong đó, hơn 3% là cán bộ công chức, viên chức hoạt động kiêm nhiệm và chỉ có 8% hội thẩm là người dân không làm việc trong các cơ quan có tổ chức đoàn thể.
Trong 5 năm qua, Hội thẩm nhân dân đã tham gia xét xử gần 1.000.000 vụ án. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, hoạt động của Hội thẩm nhân dân có phần hình thức, chưa phản ánh đúng vị trí, vai trò của nhân dân trong việc tham gia hoạt động xét xử. Bởi, hiện nay chúng ta bổ nhiệm Hội thẩm Nhân dân theo nhiệm kỳ của HĐND và chủ yếu vẫn là các công chức, viên chức nhà nước kiêm nhiệm hoặc đã nghỉ hưu...
Thạc sỹ Nguyễn Huyền Ly, Giảng viên Khoa Luật - Đại học Huế cho rằng, quy trình lựa chọn bổ nhiệm Hội thẩm Nhân dân theo nhiệm kỳ đã lái ý nghĩa của hội thẩm nhân dân sang một hướng khác chứ không còn mang nhiều ý nghĩa về mặt xã hội của chế định này.
Do vậy, theo bà Huyền Ly, ý nghĩa mà các Hội thẩm Nhân dân đem lại trong Hội đồng xét xử phải là sự đồng cảm, những kiến thức, kinh nghiệm sống thực tiễn mà trong cùng hoàn cảnh sống hoặc rất gần hoàn cảnh sống đối với các bị cáo, nguyên đơn, bị đơn trong các vụ án được đem ra xét xử chứ không phải là những người được cơ quan công quyền tin cậy.
Cần mở rộng đối tượng tham gia
Là một người từng tham gia Hội thẩm Nhân dân ở Tòa an tỉnh Hà Tĩnh, bà Phan Minh Tuyết cho rằng, chế định Hội thẩm Nhân dân tham gia xét xử sơ thẩm vẫn còn hình thức, nhiều Hội thẩm Nhân dân không mặn mà với việc xét xử và họ cũng không mang tiếng nói đại diện cho ai trong phiên tòa bởi họ không có chuyên môn pháp lý và cả chuyên môn về lĩnh vực mà vụ án đang giải quyết …Vì vậy để nhân dân tham gia thực chất vào hoạt động xét xử của Tòa án và giám sát quyền lực thì cần mở rộng đối tượng tham gia, và cũng đừng coi họ có quyền và trách nhiệm áp dụng pháp luật để phán quyết như thẩm phán.
“Mở rộng việc lựa chọn các thành phần, đối tượng tham gia làm Hội thẩm; Quy định về việc lựa chọn ngẫu nhiên Hội thẩm Nhân dân tham gia phiên tòa; Cơ cấu lại thành phần Hội đồng xét xử; Tăng cường tính chuyên môn của Hội thẩm khi tham gia xét xử một số loại vụ án đặc thù; Xây dựng cơ chế xử lý khi thành viên Hội đồng xét xử có quan điểm khác nhau về việc giải quyết vụ án; bổ sung chế định Hội thẩm đoàn tham gia xét xử sơ thẩm một số vụ án hình sự theo hướng tăng số lượng Hội thẩm tham gia phiên tòa; Hội thẩm chỉ tham gia vào việc xác định sự thật của vụ án, không tham gia vào việc áp dụng pháp luật”- Bà Tuyết nói.
Tại phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương mới đây, khi bàn về đổi mới, hoàn thiện cơ chế Nhân dân tham gia trực tiếp vào hoạt động xét xử của Tòa án, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương- Chủ tịch nước Xuân Phúc cũng nhận định và yêu cầu Tòa án nhân dân Tối cao cùng với MTTQ tiếp tục nghiên cứu để nâng cao chất lượng đội ngũ Hội thẩm Nhân dân để đảm bảo Nhân dân tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan Tư pháp, thực hiện vai trò giam sát quyền lực của Nhân dân.
“Việc chuẩn bị đội ngũ rất quan trọng. Vừa qua chúng ta chưa chọn đúng, chọn đủ…làm sao mà họ bỏ phiếu phán quyết chính xác. Để phục vụ cải cách tư pháp Tòa án thì vấn đề nâng cao chất lượng Hội thẩm Nhân dân vẫn tiếp tục đặt ra. Và triển khai sớm, Tòa án nhân dân tối cao và Mặt trận tổ quốc xây dựng để sớm có đội ngũ Hội thẩm Nhân dân có chất lượng”- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Việc nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của Tòa án được quy định trong Hiến pháp, Luật Tổ chức TAND, các đạo luật tố tụng tư pháp thông qua chế định Hội thẩm. Việc Hội thẩm tham gia xét xử bảo đảm thực hiện nguyên tắc “lấy dân làm gốc”, “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”, thể hiện bản chất nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Xây dựng cơ chế lựa chọn nhân dân tham gia công tác xét xử của Tòa án bảo đảm người được lựa chọn đủ tiêu chuẩn, chất lượng, không phụ thuộc vào tiêu chí bằng cấp hoặc trình độ hiểu biết pháp luật để tạo sự khách quan, công bằng, không thiên vị khi xét xử. Cần bổ sung chế định Hội thẩm đoàn tham gia xét xử sơ thẩm một số vụ án hình sự theo hướng tăng số lượng Hội thẩm tham gia phiên tòa; Hội thẩm chỉ tham gia vào việc xác định sự thật của vụ án, không tham gia vào việc áp dụng pháp luật. Thí điểm xét xử sơ thẩm một số vụ án hình sự bằng Hội đồng xét xử và Hội thẩm đoàn với thành phần là những người dân bình thường và chỉ tham gia xét xử một số loại việc nhất định./.