Áp lực bủa vây từ mọi phía
Trước cả khi lên nắm quyền Tổng thống Philippines vào ngày 30/6/2016, ông Rodrigo Duterte đã nổi tiếng là người không khoan nhượng với tội phạm ma túy.
Tổng thống Philippines Duterte là người luôn có quan điểm hết sức cứng rắn ới tội phạm ma túy. Ảnh: AP |
Chứng kiến tệ nạn ma túy hoành hành ở thành phố Davao, nơi ông là thị trưởng trong suốt 22 năm, ông Duterte hiểu rằng, chỉ có những hành động quyết liệt thậm chí là sắt đá mới có thể giải quyết tình trạng đó. Ông đã thành lập “Biệt đội sát thủ Davao” để truy lùng và hành quyết những kẻ buôn ma túy, tội phạm, thành viên các băng đảng và những phần tử bất phục tùng luật lệ khác.
Chỉ trong vòng vài năm, Davao từ chỗ là “thành phố chết chóc nhất thế giới” đã trở thành một trong những nơi an toàn nhất. Vai trò của “Kẻ trừng phạt”, biệt danh mà nhiều người gán cho ông Duterte, được đánh giá rất cao và ông được đề nghị đứng ra tranh cử Tổng thống. Những cam kết mạnh mẽ trong việc chống lại tội phạm ma túy cùng uy tín đang lên “như diều gặp gió” đã giúp ông Duterte dễ dàng đánh bại các đối thủ chính trị khác để trở thành Tổng thống Philippines.
Tuy nhiên, thành công ở Davao lại không đảm bảo cho việc ông Duterte có thể dễ dàng giải quyết vấn nạn ma túy ở Philippines. Điều này là bởi, Davao là thành phố không thu hút quá nhiều sự chú ý của cộng đồng quốc tế và hành động của ông Duterte khi đó chỉ đại diện cho một thành phố. Ngay khi ông Duterte công khai tuyên chiến với tội phạm ma túy trên toàn Philippines và triển khai mô hình “Biệt đội sát thủ” tương tự như ở Davao, cộng đồng quốc tế đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích dữ dội Tổng thống Philippines.
Tổng thống Mỹ khi đó, ông Barack Obama là một trong những người đầu tiên kêu gọi ông Duterte cần kiềm chế hơn trong cách hành xử với tội phạm ma túy. Ông Obama cho biết, sau khi có thông tin, chỉ sau 2 tháng Philippines triển khai tiêu diệt tội phạm ma túy, đã có hơn 3.000 người bị giết, Tổng thống Mỹ đã khuyên ông Duterte rằng, ông cần biết mình phải làm gì.
“Những tên tội phạm đáng khinh trong mạng lưới buôn bán ma túy có thể gây ra nhiều thiệt hại, nhưng quan trọng là cuộc chiến chống ma túy cần phải được thực hiện đúng cách”, ông Obama tuyên bố ngày 8/9/2016.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền của Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những gì đã diễn ra tại Philippines trong 3 năm liên tiếp kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền khi số người chết trong các vụ việc liên quan đến ma túy trong thời gian đó đạt con số 12.000.
Việc triển khai các "biệt đội sát thủ" theo mô hình của Davao trên toàn Philippines đã khiến ông Duterte hứng chịu không ít chỉ trích. Ảnh: Reuters |
Sự sắt đá cần thiết?
Bất chấp búa rìu từ dư luật và thậm chí cả những lời đe dọa từ những tên trùm ma túy rằng, chúng đã treo thưởng 1 triệu USD cho ai lấy được mạng ông, Tổng thống Philippines vẫn kiên định con đường sắt đá của mình.
Thậm chí, ông Duterte còn cảnh báo ông Obama cũng như các Đại sứ châu Âu tại Philippines rằng, họ “không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Philippines” nếu họ không hiểu rõ những gì đang diễn ra tại nước này và rằng “giai đoạn Philippines chỉ là nước thuộc địa đã qua. Hãy đối xử với Philippines một cách công bằng”.
Theo các chuyên gia, lời lẽ của ông Duterte dù bị đánh giá là “khá bất cần” nhưng rất đáng chú ý nhất là trong bối cảnh, sự ủng hộ người dân Philippines đang tăng lên mạnh mẽ và được cho là có thể giúp đảng cầm quyền và những đồng minh của ông Duterte chiếm được đa số tại Thượng viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ tại nước này diễn ra ngày 13/5/2019 tạo tiền đề pháp lý vững chắc hơn cho cuộc chiến chống ma túy của ông.
Có thể thấy, sự ủng hộ của người dân Philippines bắt nguồn từ việc họ đã quá chán ngán với tình trạng đất nước bị ma túy hủy hoại nghiêm trọng trong suốt thời gian qua và cách hành xử của ông Duterte dù “không được chính quy” nhưng lại giúp trấn an tinh thần cho họ và giúp họ tin tưởng hơn vào một xã hội an ninh và trật tự hơn.
Các hoạt động tuần tra trên đường phố Philippines giờ trở nên an toàn hơn rất nhiều so với trước đây. Anh: EPA |
Gần 4 năm sau khi ông Duterte phát động cuộc chiến chống ma túy tại Philippines, diện mạo các thành phố vốn trước đây là “thiên đường” cho những băng đảng tội phạm ma túy đã hoàn toàn thay đổi. Dù vẫn còn đó những bức tường ám khói, những vết đạn lỗ chỗ sau hàng trăm cuộc giao tranh giữa cảnh sát Philippines và những tên tội phạm ma túy sừng sỏ trên nhiều tuyến phố ở nhiều thành phố khác nhau, người dân Philippines giờ đã có thể yên tâm ra đường mà không lo bị mất mạng. Thậm chí, họ còn không phải đối mặt với tình trạng trèo kéo, mua bán ma túy từng diễn ra công khai và thậm chí thách thức cả các lực lượng chức năng.
Những cuộc tuần tra tại những ngõ hẻm trước kia từng là nỗi ám ảnh đối với cảnh sát Philippines bởi bọn tội phạm ma túy có thể xuất hiện bất thình lình và xả đạn về phía họ, giờ diễn ra êm ả hơn nhiều. Thậm chí, sau mỗi cuộc tuần tra, các nhóm cảnh sát Philippines có thể tụ tập tại một địa điểm hẹn sẵn để uống bia, ăn thịt nướng và ngồi kể lại cho nhau nghe về hoạt động truy bắt tội phạm ma túy trước kia. Dường như, đối với họ đó chỉ còn là một ký ức xa vời…/.