Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào Bộ luật Hình sự là vấn đề đã được Chính phủ nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn. Việc bổ sung quy định này là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhất là đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về kinh tế và môi trường của pháp nhân và để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Kết quả lấy ý kiến nhân dân và lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội bằng phiếu cho thấy, đa số đều tán thành.

Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua dự án luật

Xử pháp nhân vẫn không loại trừ trách nhiệm cá nhân

Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Bộ luật quy định 31 tội danh mà pháp nhân bị xử lý hình sự thuộc Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII) và Chương các tội phạm về môi trường (Chương XIX).

Theo đó, pháp nhân thương mại nào phạm tội như buôn lậu, đầu cơ, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường, đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam... sẽ bị xử lý hình sự. Và việc pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.

Các hình phạt đối với pháp nhân phạm tội gồm hình phạt chính(Phạt tiền thấp nhất 50 triệu đồng; Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn) và hình phạt bổ sung (cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; Cấm huy động vốn; Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính).

Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.

Cơ sở pháp lý xử lý công ty gây thiệt hại cho dân

Là một trong những đại biểu Quốc hội ngay từ đầu bày tỏ ủng hộ quan điểm cần quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân, Thiếu tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh toà quân sự, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho biết, trách nhiệm hình sự pháp nhân đến nay đã có 120 quốc gia quy định, trong đó ASEAN có 6 nước và Trung Quốc cũng đã thể hiện trong luật.

Với kinh nghiệm công tác và nhiều năm nghiên cứu về luật hình sự, ngay tại kỳ họp thứ 9, ông Trần Văn Độ cho rằng luật xử phạt hành chính có phạt tiền, rút giấy phép… nhưng chưa giải quyết được vấn đề và đó chỉ là góc nhỏ. Xử lý hình sự pháp nhân là hướng đến cái lớn hơn, bảo đảm quyền lợi cho xã hội, cho người bị hại.

tran_van_do_vvju_hbed.jpg
Đại biểu Trần Văn Độ phát biểu trong một buổi thảo luận tổ tại Quốc hội

Việc các công ty làm ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại cho dân, nếu quy trách nhiệm cho cá nhân thì người bị truy cứu phải bồi thường, pháp nhân là công ty không phải bồi thường. Những vụ Vedan, Nicotex Thanh Thái xả thải ô nhiễm gây thiệt hại cả nghìn tỷ đồng thì cá nhân khó có có đủ khả năng bồi thường cho người dân. Việc quy định xử lý hình sự pháp nhân sẽ giải quyết được vấn đề này khi công ty có trách nhiệm bồi thường nếu bị chứng minh sai phạm.

Ngoài ra, xử lý bằng hiện pháp hình sự đối với pháp nhân thì cơ quan nhà nước có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại chứ không phải người dân. Trên thực tế có vụ đến hội đồng cấp bộ có khi còn ý kiến khác nhau thì người dân khó thực hiện được.

Ở khía cạnh khác, kiện dân sự thì người kiện phải nộp án phí, có vụ người phải nộp từ 50 đến 100 triệu đồng, dẫn đến dân không kiện vì không có tiền. Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định xử lý pháp nhân thì với những vụ việc sai phạm, cơ quan nhà nước phải điều tra, xét xử.

Chức năng hình sự không chỉ là xử phạt mà còn là bảo vệ, phục hồi. Hơn nữa, việc quy định trách nhiệm pháp nhân trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) không phải đầy đủ như thể nhân mà giới hạn trong một số trường hợp. Quy định này cũng đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia./.