Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm trên khi thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) sáng 26/11.
Chậm là mất bạn đọc
Nhấn mạnh sự bùng nổ của internet trong thời gian qua đã thay đổi địa vị của báo chí chính thống, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, một bộ phận bạn đọc thiếu niềm tin vào báo chí chính thống và ngả sang đọc thông tin trên mạng. Việc tham gia không giới hạn của các mạng truyền thông xã hội đẩy báo chí chính thống ngày càng khó khăn.
Kinh nghiệm cho thấy khi có một vụ việc nào đó, trong khi báo chí chính thống tuân thủ theo định hướng chưa đưa thì truyền thông xã hội đã cày xới, đến khi báo chí chính thống đưa tin thì còn đâu bạn đọc chờ đón, báo chí mất bạn đọc, không chỉ báo chí suy yếu mà còn làm tác dụng tuyên truyền của báo chí chưa tốt.
“Mặc dù vậy dự thảo luận tránh đề cập đến truyền thông xã hội. Có ý kiến cho rằng chúng ta mới túm ông có tóc, còn ông trọc đầu thì chưa. Trong khi ông có tóc thi đơn giản, điều mà xã hội quan tâm là quản ông trọc đầu. Luật Báo chí hiện hành vẫn chưa chế định và kiểm soát được”, ông Thường nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường |
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng Dự thảo chưa đưa ra được điểm nào đáng kể để báo chí phát triển mạnh, đáp ứng với yêu cầu hội nhập.
Ví báo chí phải đi bằng hai chân, đại biểu cho rằng địa vị khi báo chí như một bộ phận hành chính cấu thành cơ quan Đảng, Nhà nước nhưng báo chí phải tự chủ về kinh tế, phải độc lập kinh tế như doanh nghiệp. Tuy vậy, một số lớn làm ăn khó khăn, thu nhập thấp nên hai chân nhiều khi không cùng hướng, thậm chí giẫm lên nhau, khó đứng lên.
“Với cơ chế chưa được tháo gỡ thì báo chí chưa có cơ hội phát triển. Không ít cách làm ăn chộp giật, ăn cắp nội dung... không được giải quyết mà còn tái phát. Chân khập khiễng thì báo chí khó đứng vững chứ chưa nói đến việc bước đi và chạy. Từ đó việc thực hiện chức năng tư tưởng của báo chí cũng gặp khó khăn”, đại biểu Thường nói.
Do đó, nếu chúng ta không tạo được hành lang pháp lý đủ mạnh để báo chí tự chủ và tích luỹ về kinh tế thì báo chí không có sức cạnh tranh thông tin với tập đoàn truyền thông nước ngoài ngay tại sân nhà.
Vi phạm bản quyền báo chí chưa có hướng giải quyết
Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, vi phạm bản quyền hiện nay là phổ biến và nhức nhối nhưng dự thảo đề cập hết sức mờ nhạt, không tương xứng. Khả năng thực thi quy định sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí là không thể. Luật sở hữu trí tuệ quá rộng nên các cơ quan báo chí chỉ có thể dựa vào ý thức tự giác là chính.
Mặt khác, một tờ báo điện tử trung bình xuất bản 300 tin, bài/ngày, quỹ thời gian để tiền kiểm, hậu kiểm, xử lý khiếu nại vô cùng khó khăn. Đó là lý do vì sao tình trạng đạo tác phẩm báo chí, vi phạm bản quyền diễn ra thường xuyên liên tục nhưng không có hướng giải quyết.
“Một nguyên nhân là việc tồn tại phi lý của các trang tin điện tử tổng hợp. Do không cho phép làm nội dung nên người ta xào lại, cóp nhặt các báo khác, gặt hái những gì ngọt ngon nhất cho mình trong khi đó họ không phải mất một chút mồ hôi, công sức nào”, ông Thường bày tỏ.
Theo thống kê hiện cả nước có hơn 1.600 trang thông tin điện tử tổng hợp, gấp hàng chục lần các báo chí điện tử, gấp đôi số cơ quan báo chí nói chung. Vậy là có tình trạng người làm thật mà ăn giả, kẻ làm giả thì ăn thật. Tốc độ cóp nhặt siêu tốc nên việc quản lý các trang tin rất khó khăn.
Đại biểu cho rằng Dự thảo luật cần xóa bỏ khái niệm trang tin điện tử tổng hợp và nhóm về loại hình website thông thường. Các cơ quan báo chí mới được quyền xuất bản các website có tính chất báo chí. Chỉ có làm vậy mới tạo ra môi trường lành mạnh, phát triển bình đẳng để các cơ quan báo chí chân chính yên tâm đầu tư phát triển./.