Điểm đáng lưu ý trong nhiều vụ việc thời gian qua là chủ yếu xảy ra ở cấp huyện, xã. Một lần nữa năng lực và ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ thực thi pháp luật ở các cấp này lại được đặt ra.

Nhiều cán bộ đối diện bản án nghiêm khắc

Một trong những vụ việc gây bức xúc dư luận, được đề cập cả trên nghị trường là vụ 5 sỹ quan công an TP Tuy Hòa dùng nhục hình đánh chết anh Ngô Thanh Kiều (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên). Tại phiên xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. 

Theo nội dung vụ án, trong quá trình xét hỏi, các trinh sát, điều tra thay phiên nhau lấy dùi cui đánh anh Kiều khiến nạn nhân tử vong vì chấn thương sọ não.

Sau phiên xử sơ thẩm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã yêu cầu viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao chỉ đạo xử lý vụ án đúng quy định pháp luật. Vụ án này dự kiến được đưa ra xét xử trong tháng 3 này.

cong_an_danh_nguoi_mivu.jpgDẫn giải bị cáo trong vụ án 4 cựu công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nộiđánh chết người

Vụ việc tương tự cũng khiến nhiều cán bộ công an vướng vòng lao lý xảy ra tại xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo đều bị truy tố tội Giết người.

Phiên tòa sơ thẩm tuyên 4 bị cáo với các mức án từ 8 đến 17 năm tù. Sau phiên tòa này, VKSND Hà Nội đã có kháng nghị cho rằng, các bị cáo được giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an tại địa phương, là những người hiểu biết về pháp luật vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã thực hiện hàng loạt hành vi hết sức tàn nhẫn dẫn đến cái chết thương tâm của người bị hại. Do vậy, VKS đề nghị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội xét xử theo hướng tăng hình phạt đối với 2 trong 4 bị cáo.

Sáng 21/3, Công an Hà Tĩnh cũng đã khởi tố 3 công an ở xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh về hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Trong vụ việc này, nạn nhân đã tử vong do xuất huyết não sau khi bị bắt giữ trái pháp luật và cơ quan chức năng vẫn tiếp tục điều tra bổ sung.

Và ngay trong ngày hôm qua (23/3), TAND tỉnh Khánh Hòa mở lại phiên tòa xử phúc thẩm vụ án nhóm công an Lê Minh Phát, Lê Ngọc Tâm (nguyên công an viên xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) phạm tội “cố ý gây thương tích” dẫn đến cái chết của học sinh Tu Ngọc Thạch (15 tuổi). Hai phiên phúc thẩm được mở trước đó đều phải hoãn do thiếu luật sư và một số nhân chứng quan trọng.

Xét xử sơ thẩm giữa tháng 11/2014, TAND huyện Vạn Ninh tuyên phạt Lê Minh Phát 6 năm 9 tù về hai tội “cố ý gây thương tích” và “bắt người trái pháp luật”. Bị cáo Lê Ngọc Tâm bị phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “bắt người trái pháp luật”.

Và còn không ít vụ việc tương tự đã xảy ra gây bức xúc đối với quần chúng nhân dân, gây dư luận xấu trong xã hội.

Cần tăng cường giáo dục, ngăn chặn

Tình trạng bức cung, nhục hình cũng là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội chất vấn Chánh án Tòa án NDTC Trương Hòa Bình và Lãnh đạo Bộ Công an khi đề cập tình hình oan sai và bồi thường oan sai vào đầu tháng 3 vừa qua.

Tại phiên chất vấn, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết có dư luận phản ánh về việc bức cung, nhục hình và thực tế kiểm tra cho thấy xảy ra hiện tượng này trong một số vụ việc, nhất là ở các cơ quan công an cấp huyện.

“Trách nhiệm của Bộ Công an đều kiểm tra, xem xét và xử lý nghiêm minh để chống bức cung, nhục hình”, ông Lê Quý Vương khẳng định, đồng thời cho biết như vụ công an Tuy Hoà dùng nhục hình làm chết Ngô Thanh Kiều đã xử lý 4-5 cán bộ.

Còn tại phiên họp thứ 35 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 2/2015), khi trả lời câu hỏi về việc Luật Tạm giữ, tạm giam ra đời góp phần chống bức cung, nhục hình như thế nào, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết tình trạng này phần lớn xảy ra ở góc độ hoạt động điều tra chứ không phải quản lý giam giữ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cũng đề nghị quan tâm mục đích xây dựng luật không chỉ nhằm bảo đảm đấu tranh phòng chống tội phạm mà việc hạn chế quyền con người, quyền cơ bản của công dân cũng phải phù hợp Hiến pháp. Cho rằng qua các báo cáo giám sát cho thấy nhục hình, bức cung xảy ra ở giai đoạn tạm giữ và tạm giam, ông Lý nhấn mạnh: “Phải có quy định chứ chỉ có câu khẩu hiệu chung chung cấm bức cung, nhục hình thì khó bảo đảm”.

Cũng tại phiên họp này, sau khi thảo luận về Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí không bổ sung quy định giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho công an xã, phường.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: “Trên thực tế, Công an xã là lực lượng bán chuyên trách, trình độ của Công an cấp xã ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra. Việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho Công an xã sẽ vượt quá khả năng của Công an xã, dễ dẫn đến việc làm sai lệch trong điều tra vụ án hình sự, gây khó khăn cho Cơ quan điều tra chuyên trách hoặc làm bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội”.

Tình trạng bức cung, nhục hình vẫn còn xảy ra, có nguyên nhân từ năng lực, trách nhiệm và “còn tâm trạng nôn nóng” trong công tác điều tra. Tuy nhiên, với những sự việc công an xã, phường đánh đập, gây thương tích, thậm chí với cả đối tượng là học sinh, thì vấn đề cần xem xét chính là ý thức chấp hành luật, thậm chí có biểu hiện lạm quyền của một số người thực thi pháp luật. Và có thể không quá khi đặt ra phạm trù đạo đức nghề nghiệp đối với những người này.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng từng nhấn mạnh, luật quy định khá nhiều và đầy đủ, nhưng điều quan trọng là ở khâu thực hiện và chấp hành luật. Do đó cần tăng cường giáo dục, ngăn chặn./.