Câu chuyện nâng khống, loạn giá thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập và trách nhiệm của các bên trong liên doanh, liên kết đang “nóng” lên trong thời gian qua. Vụ việc nâng khống máy xét nghiệm Covid-19 của Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội chưa hết nóng thì cơ quan công an lại tiếp tục phanh phui vụ nâng khống giá thiết bị chữa bệnh tại bệnh viện Bạch Mai, từ hơn 7 tỷ đồng được "thổi giá" lên tới gần 40 tỷ đồng. Lãnh đạo công ty bán thiết bị là Công ty cổ phần Công nghệ Y tế BMS, thẩm định viên và cựu lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai lần lượt bị bắt tạm giam.
Một hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh có giá hơn 7 tỷ đồng nhưng đã được “phù phép”, “thổi giá” lên tới gần 40 tỷ đồng. Hậu quả là chi phí khấu hao máy cho một ca bệnh khoảng hơn 4 triệu đồng thì người bệnh đã phải trả tới 23 triệu đồng. Ước tính đã có hơn 550 người bệnh ở bệnh viện bị móc túi hơn 10 tỷ đồng. Đánh giá về tính chất, mức độ trong vụ án nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng, đây là một trong những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực y tế trong thời gian vừa qua. Việc làm này không chỉ vi phạm quy định của pháp luật mà còn làm ảnh hưởng đến niềm tin của người bệnh.
Nhiều người dân đặt ra câu hỏi, liệu sau này khi các cơ quan tố tụng làm rõ những sai phạm thì người bệnh bị móc túi trước đây có được hoàn trả tiền? Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, việc dư luận đặt ra câu hỏi này là hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khó cho các cơ quan chức năng: “Những khoản chi phí mà người bệnh phải trả đều đã được thông báo là phần dịch vụ bệnh nhân đồng ý thì mới được sử dụng. Ở đây đã có sự thỏa thuận do bên phía bệnh viện đưa ra và người bệnh đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ với bất kỳ giá nào để được bảo đảm điều kiện chữa bệnh tốt nhất”.
Ngoài Bệnh viện Bạch Mai, Công ty cổ phần Công nghệ Y tế BMS còn cung cấp vật tư và trang thiết bị y tế hàng loạt gói thầu lớn tại các cơ sở y tế trong cả nước. Đơn vị này đấu thầu đâu trúng đó, bất kể cơ sở y tế lớn hay nhỏ. Công ty BMS đã trúng gói thầu mua sắm bổ sung vật tư tiêu hao y tế năm nay của Bệnh viện đa khoa Đông Anh với giá trúng thầu hơn 3 tỷ 200 triệu đồng, gói thầu cung cấp bổ sung vật tư cho phẫu thuật của các chuyên khoa năm nay của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với giá trúng thầu là 1 tỷ 800 triệu đồng.
Tại Hải Phòng, Công ty BMS liên tiếp trúng nhiều gói thầu có trị giá lên tới hàng chục tỷ đồng liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 thông qua hình thức chỉ định thầu rút gọn trong nước. Tại Thái Bình, Công ty BMS trúng thầu gói vật tư y tế số 6 – vật tư y tế liên quan đến chấn thương chỉnh hình thuộc dự án mua sắm hóa chất vật tư y tế cho các cơ sở y tế tỉnh Thái Bình năm 2019 - 2020 với giá là 33 tỷ đồng. Tại Nghệ An, liên doanh của Công ty BMS trúng hàng loạt gói thầu với tổng giá trị hơn 45 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty BMS cũng trúng gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị phẫu thuật nội soi của Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh với giá hơn 31 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi, liệu cơ quan chức năng có cần thanh kiểm tra toàn bộ các dự án mà công ty này trúng thầu để làm rõ liệu có những sai phạm tương tự như ở Bệnh viện Bạch Mai hay không, luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, đây cũng chính là cách mà các cơ quan tiến hành tố tụng đang làm và buộc phải làm: “Tìm hiểu, truy xuất, điều tra toàn bộ lại quá trình của công ty hay cá nhân đó là điều các cơ quan chức năng cần tiến hành thực hiện. Trong trường hợp này, Công ty BMS trúng hàng loạt các gói thầu liên quan đến nhiều bệnh viện, nhất là các thiết bị y tế và họ có khả năng sẽ xem xét việc có đẩy giá hay không đối với các gói thầu khác và đối với các hợp đồng liên kết mà họ đã ký với các bệnh viện khác”- ông Truyền nêu ý kiến.
Trước đó, thương vụ liên doanh liên kết này đều đúng quy trình, có đấu thầu, có công ty thẩm định giá tham gia nhưng các đối tượng vẫn vượt qua hàng loạt quy định để dễ dàng nâng khống giá thiết bị lên đến 5 lần nhằm chuộc lợi. Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, thực tế đó cho thấy những lỗ hổng trong liên doanh liên kết bệnh viện với các công ty và công tác đấu thầu, đấu giá thiết bị y tế hiện nay: “Trước hết, phải khẳng định, việc liên doanh liên kết bệnh viện với các công ty thiết bị y tế là một chính sách rất đúng đắn giúp nâng cao kỹ thuật và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân ngày một tốt hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai rõ ràng còn tồn tại nhiều vấn đề. Thứ nhất là tạo ra sự lạm quyền trong chính các bệnh viện vì dịch vụ nào cần liên kết, cần xã hội hóa thì lại do chính bệnh viện xác định. Thứ hai, việc thẩm định giá, đấu thầu và các quy định trong hành lang pháp lý của chúng ta còn nhiều lỗ hổng. Nếu các công ty thẩm định giá hoặc các bệnh viện, cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra, đảm bảo tính liêm chính cao nhất thì tôi tin sẽ không có trường hợp bị đẩy giá lên đến 5 lần một cách vô lý như vậy”.
Theo đó, Luật sư Nguyễn Thế Truyền cũng đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng này là cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan ngành y tế.
“Thứ nhất, mỗi lần nhập khẩu thiết bị y tế đều phải qua Bộ Y tế với đầy đủ các bước xác định nguồn gốc, đơn giá và cho phép nhập hay không nhập thật chặt chẽ. Thứ hai, chúng ta đang làm công khai nhưng công khai một cách nửa vời. Có thể công khai giá của thiết bị hay công khai thiết bị y tế trên mạng nhưng lấy cơ sở nào để công khai và cuối cùng việc công khai giá trúng thầu cụ thể đến mức nào thì vẫn chưa rành mạch. Tất cả những điều này đều xuất phát từ một câu chuyện là chúng ta đang thiếu sự minh bạch trong việc vận hành, quản lý”.
Mới đây, Bộ Y tế đã ra mắt cổng thông tin công khai giá thiết bị y tế. Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng để bước tiến này của bộ có thể ngăn chặn được tình trạng nâng khống giá thiết bị ở các cơ sở y tế thì cần thực hiện một cách minh bạch, tránh mang tính hình thức: “Nếu chỉ công khai giá thiết bị trên mạng thì tôi cho rằng việc này chỉ mới mang tính hình thức và khẩu hiệu. Vì tôi chưa hiểu giá cụ thể được công khai trên cổng thông tin được chi tiết đến đâu, do bên nào cung cấp, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hay những đơn vị phân phối tại Việt Nam hay ở nước ngoài”./.