Sáng 7/1, tại hội nghị toàn quốc tổng kết 6 năm thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước do Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội, rất nhiều bất cập trong giải quyết bồi thường đã được các đại biểu tập trung làm rõ, nhất là tình trạng chậm trễ chi trả tiền bồi thường kể từ khi ra quyết định giải quyết bồi thường đến lúc người bị thiệt hại được nhận kinh phí chi trả tiền bồi thường. Các đại biểu kiến nghị cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật để khắc phục bất cập này.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, đến hết ngày 31/12/2015, sau 6 năm thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý, giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong số này, hơn 200 vụ việc đã được giải quyết (đạt 79%) với tổng số tiền hơn 111 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Chấn (Ảnh minh họa: Việt Đức) |
Tuy nhiên, con số này cho thấy, số vụ việc mà các cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước đã thụ lý, giải quyết không nhiều, chưa phản ánh đúng thực chất tình hình thực thi pháp luật. 6 năm qua, có tới 20 bộ, ngành và gần 50 địa phương không phát sinh bất kì vụ việc nào yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực quản lý hành chính. Trong khi đó, các cơ quan quản lý hành chính, hàng năm phải giải quyết rất nhiều khiếu nại, tố cáo, nhất là trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, cấp, thu hồi đất đai…
Ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Bồi thường Nhà nước - Bộ Tư pháp nêu hai vụ án có số tiền bồi thường lớn là các vụ kết tội oan ông Nguyễn Thanh Chấn (ở tỉnh Bắc Giang) và ông Lương Ngọc Phi (ở tỉnh Thái Bình). Hiện nay, ông Nguyễn Thanh Chấn đã nhận tiền bồi thường hơn 7 tỷ đồng. Còn ông Lương Ngọc Phi, theo quyết định của toàn án, cơ quan gây oan sai phải bồi thường gần 23 tỷ đồng nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết.
Theo thống kê, 6 năm qua, mới có 22 trong tổng số hơn 200 vụ việc đã giải quyết yêu cầu bồi thường với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng trên tổng số hơn 111 tỉ đồng Nhà nước phải bồi thường. Ông Nguyễn Văn Bốn cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến việc giải quyết bồi thường chậm trễ là bởi thủ tục giải quyết bồi thường còn quá rườm rà, chưa tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước cũng như người bị hại. Cùng với đó là rất nhiều bất cập trong quy định của Luật hiện hành.
“Yêu cầu của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước là yêu cầu người bị hại phải chứng minh được thiệt hại xẩy ra. Trong chứng minh thiệt hại xảy ra thì Luật quy định rất chung chung. Vì vậy, hầu hết các vụ việc đều quá thời hạn theo Luật định. Một hạn chế nữa là Luật là trình tự, thủ tục thẩm định chi trả tiền bồi thường còn quá rườm rà. Nhiều cơ quan phải thẩm định, rồi cuối cùng mới đến Bộ Tài chính và Bộ Tài chính trước khi ban hành quyết định để chi trả số tiền ấy thì phải thẩm định một lần nữa. Điều này dẫn đến thời gian rất kéo dài”, ông Nguyễn Văn Bốn nói.
Các đại biểu kiến nghị, thay vì giao cho nhiều cơ quan giải quyết bồi thường như hiện nay, Luật cần sửa đổi theo hướng xây dựng mô hình cơ quan giải quyết bồi thường tập trung, đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý người thi hành công vụ, cơ quan tư pháp địa phương trong hoạt động giải quyết bồi thường.
Để khắc phục tình trạng chậm trễ chi trả tiền bồi thường, bà Tống Thị Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho rằng, cùng với cải cách toàn diện thủ tục giải quyết bồi thường, hàng năm, Nhà nước cần dành sẵn một nguồn kinh phí cho công tác bồi thường nhà nước. Có như vậy, việc chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại mới nhanh chóng, kịp thời.
“Chúng ta phải tính đến mô hình liên quan đến cấp phát kinh phí. Quỹ này phải có sẵn để khi có thì nhà nước phải bỏ ra và chi trả cho người yêu cầu bồi thường sau khi có quyết định bồi thường. Nếu trong trường hợp thẩm định của các cơ quan nhà nước, nếu như cấp xã giải quyết xong rồi chuyển lên cấp huyện rồi chuyển lên Sở Tài chính thẩm định thì rất lâu và việc chi trả còn liên quan đến kho bạc. Vì vậy, chúng ta nên xây dựng quỹ”, bà Tống Thị Thanh Nam nêu ý kiến./.