Ngày 26/5, lực lượng chức năng của Bộ Công an Việt Nam đã bàn giao 12 đối tượng còn lại trong băng nhóm sử dụng công nghệ cao lừa đảo người Trung Quốc cho Tổng cục Cảnh sát Đài Loan (Trung Quốc) điều tra, xử lí theo thẩm quyền. Trước đó, 12 đối tượng người Trung Quốc và các vật chứng liên quan đến việc phạm tội cũng đã được Công an Việt Nam bàn giao cho Bộ Công an Trung Quốc tiếp tục điều tra.

Cuộc đột kích bất ngờ

13h ngày 21/5, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ (CBCS) thuộc Phòng 3 và Phòng 4, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50); tổ đặc biệt 113 – Tổng cục Cảnh sát; Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 – Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, Công an quận 5, quận 11, Công an TP Hồ Chí Minh... đã đồng loạt ập vào phòng 1, lầu 26, tháp R1, tòa nhà Everrich, đường 3/2, phường 15, quận 11, TP Hồ Chí Minh.
trung_quoc_mjef.jpg
Các đối tượng và tang vật vụ án.

Chỉ trong vài giây, cánh cửa sắt dày 12 cm bị đánh bật tung, bên trong các phòng của căn hộ, cả 9 bàn làm việc với 19 đối tượng đang sử dụng mạng Internet thực hiện các cuộc gọi điện thoại trên nền Internet (VoIP) để mạo danh cán bộ của các cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân Trung Quốc.

Từ phía mái của căn hộ, các trinh sát cũng bí mật áp sát cửa sổ, khống chế không để các đối tượng tẩu tán tang vật và phòng ngừa việc các đối tượng trong lúc bất ngờ sẽ chạy trốn, rơi xuống đất. Bị bất ngờ, các đối tượng không kịp trở tay, cũng không kịp tẩu tán tang vật. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ 21 điện thoại di động các loại, 6 máy tính xách tay, 33 điện thoại điện thoại VoIP, 6 bộ đàm, nhiều sổ ghi chép kịch bản lừa đảo và nhiều loại tang vật liên quan khác.

Đại tá Lê Minh Loan, Trưởng phòng 3, Cục C50 – đơn vị chủ công trong việc điều tra, làm rõ ổ nhóm tội phạm trên cho biết: “Nhóm đối tượng trên hoạt động khép kín, cảnh giác rất cao. Chúng lắp camera bên ngoài nhà để theo dõi và thường xuyên thay đổi địa chỉ sau 2-3 tháng hoạt động. Nếu không bắt giữ kịp thời, chúng sẽ chuyển sang địa điểm khác. Đặc biệt, để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, các đối tượng thường thuê căn hộ tại các chung cư cao cấp nên việc kiểm soát an ninh rất chặt chẽ, ra vào thang máy bằng thẻ từ, kể cả cư dân của tòa nhà, nếu sống ở tầng nào, chỉ được ra vào ở tầng đó khiến cho công tác tiếp cận các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, khi tính toán phương án bắt giữ, Ban chuyên án đã phải mất rất nhiều thời gian, lập kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ”.

Cùng với việc khám xét khẩn cấp địa điểm trên, lực lượng chức năng đã kiểm tra hành chính tại phòng 601, 602 chung cư số 86 Tản Đà, phường 11, quận 5, TP Hồ Chí Minh, phát hiện 5 đối tượng người Trung Quốc đang sử dụng 6 máy tính xách tay, hàng chục thiết bị điện tử, hàng trăm sim điện thoại di động, hàng chục CMND và thẻ ngân hàng của nhiều người dân Trung Quốc để thực hiện việc chuyển, nhận tiền do hoạt động lừa đảo mà có.

Được biết, việc phát hiện, kiểm tra hành chính 2 phòng tại chung cư 86 Tản Đà là rất quan trọng, bởi nếu không làm rõ được các đối tượng trên, sẽ không thể truy nguyên được nguồn tiền các đối tượng chuyển đi đâu, bởi sau khi bị hại chuyển tiền, các đối tượng lập tức chuyển sang nhiều tài khoản khác nhau, sau đó mới rút hết, chia nhau.

Thủ đoạn tinh vi của nhóm đối tượng lừa đảo

Trung tá Nguyễn Huy Lục, Phó trưởng Phòng 3, Cục C50 cho biết, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng trong đường dây này tinh vi hơn các đường dây mà lực lượng chức năng đã khám phá trước đó.

Cụ thể, chúng lập trang web có giao diện giống hệt website của Viện Kiểm sát Tối cao của Trung Quốc, chỉ thêm một mục là các vụ án công an đang điều tra. Trong mục này, chúng cập nhật sẵn thông tin của bị hại từ tên, tuổi, địa chỉ, CMND. Khi chúng gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị điều tra. Nếu bị hại không tin, chúng cho mật khẩu rồi yêu cầu truy cập vào trang web trên. Truy cập thấy đúng thông tin cá nhân của mình nên bị hại tin tưởng là mình đang bị điều tra.

Một thủ đoạn khá tinh vi nữa của các đối tượng là khi bị bị hại chuyển tiền, lập tức chúng chuyển sang nhiều tài khoản khác nhau nên rất khó để điều tra, xác định được số tiền của bị hại đã được chuyển đi đâu. Nghiêm trọng hơn, các cuộc điện thoại VoIP – có phần mềm giả số điện thoại nên các đối tượng có thể giả bất cứ số điện thoại nào để gọi cho bị hại. Khi bị hại kiểm tra lại, thấy đúng số điện thoại của cơ quan chức năng nên bị hại thường không nghi ngờ gì nữa.

Được biết, để thực hiện hành vi lừa đảo của mình, các đối tượng trên chia thành nhiều nhóm khác nhau, nhóm thì có nhiệm vụ giả danh là Công an, đe dọa người gọi điện, thông báo họ đang bị điều tra bí mật vì có liên quan đến một vụ án nghiêm trọng, nghi rửa tiền. Trong quá trình nói chuyện điện thoại với bị hại, bằng các biện pháp kỹ thuật, các đối tượng tạo âm thanh, tiếng động giống như tại cơ quan cảnh sát (tiếng còi hụ, tiếng người chạy như chuẩn bị xuất quân…). Điều này đã tác động mạnh vào tâm lí người nghe, khiến họ sợ sệt, lo lắng, buộc phải thực hiện theo hướng dẫn của chúng.

Trên cơ sở diễn biến tâm lí của bị hại, nhóm khác có nhiệm vụ đưa ra những lời đề nghị tiếp theo. Nếu bị hại thanh minh không liên quan đến vụ án, chúng sẽ hướng dẫn truy cập vào trang web của chúng rồi yêu cầu xử lí bằng cách chuyển khoản toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng đến tài khoản của “công an” để kiểm tra, nếu không liên quan đến vụ án sẽ trả lại ngay, nếu không sẽ bị phong tỏa tài khoản, bị hại phải chịu “trách nhiệm”.

Bước đầu, lực lượng chức năng làm rõ, cầm đầu ổ nhóm trên là Chih Yin Hsiu, 26 tuổi, người Đài Loan, Trung Quốc. Đối tượng trên có kiến thức về công nghệ thông tin. Qua mạng xã hội của Trung Quốc, Hsiu tìm các thanh niên trẻ, chưa có việc làm nhưng muốn có tiền, thích được chơi bời vào làm cho đường dây của anh ta. Sau khi tuyển dụng, Hsin đưa các đối tượng trên sang Việt Nam qua con đường du lịch, sau đó thu hết hộ chiếu rồi huấn luyện thuần thục các tình huống trong kịch bản anh ta đặt ra để thực hiện hành vi lừa đảo.

Lực lượng chức  năng cũng đã làm rõ, các đối tượng trên đã lừa đảo 6 bị hại ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc với số tiền là 19,2 triệu NDT (khoảng 60 tỷ đồng), trong đó một trong những người đứng ra tố cáo là ông Tô Vân,  trú ở quận Bồng Giang, TP Giang Môn, Quảng Đông tố cáo bị lừa 1,02 triệu NDT…

Khen thưởng các đơn vị có thành tích xuất sắc khám phá chuyên án

Ngày 26/5, Tổng cục Cảnh sát đã tổ chức công bố Thư khen và Quyết định khen thưởng của Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho 9 đơn vị có thành tích xuất sắc khám phá chuyên án triệt phá ổ nhóm đối tượng người Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) sử dụng thiết bị điện tử viễn thông kết nối mạng Internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân Trung Quốc.

Phát biểu tại lễ khen thưởng, Trung tướng Nguyễn Công Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã biểu dương, chúc mừng các đơn vị đã có thành tích xuất sắc được Bộ trưởng khen thưởng.

Trung tướng Nguyễn Công Sơn yêu cầu, thời gian tới, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cần phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin - Truyền thông, các nhà cung cấp dịch vụ Internet đề xuất, kiến nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thiết lập hệ thống VoIP, không để tội phạm tiếp tục lợi dụng phạm tội; báo cáo lãnh đạo Bộ chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý nhập cảnh, tạm trú đối với người nước ngoài tại các khu chung cư cao cấp, chung cư do các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng quản lý, sớm phát hiện các nhóm đối tượng người nước ngoài thuê nhà, đăng ký thuê bao Internet tốc độ cao để hoạt động phạm tội.../.