Hoạt động tín dụng đen vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn TPHCM. Công an TPHCM đã lên danh sách 600 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi và thu thập các tài liệu liên quan để xử lý, đồng thời kiểm tra các tiệm cầm đồ, công ty đòi nợ…
Tờ rơi quảng cáo cho vay xuất hiện trên đường phố (ảnh: Đình Thảo) |
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 10 của UBND TPHCM diễn ra ngày 1/11, thượng tá Nguyễn Quang Thắng, Phó phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 4.086 vụ phạm pháp hình sự, bắt 3.428 đối tượng, giảm 225 vụ so với cùng kỳ năm 2017; nhiều loại án được kéo giảm, trong đó trộm cắp tài sản giảm 228 vụ.
Tuy nhiên, thượng tá Thắng nhìn nhận tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tín dụng đen. Hoạt động tín dụng đen có nhiều phương thức, thủ đoạn như quảng cáo trên mạng internet, phát tờ rơi quảng cáo vay tiền không cần gặp mặt.
Các tổ chức tín dụng đen thường ngụy trang hành vi cho vay nặng lãi bằng các hợp đồng mua bán xe trả góp hoặc chỉ cần giữ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người vay... Thủ đoạn này nhằm đối phó, công an không thu thập được bằng chứng thể hiện việc vay mượn tiền và tiềm ẩn nhiều nguyên nhân gây mất an ninh trật tự.
Theo đó, khi người vay không có khả năng trả nợ sẽ bị bắt giữ, tạt mắm tôm vào nhà, đe dọa, cố ý gây thương tích…
Phó phòng Tham mưu Công an TP cho biết, để chấn chỉnh vấn đề này, Công an TP đã lên danh sách 600 đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng, đang thu thập tài liệu để xử lý. Đồng thời, Công an TP tăng cường kiểm tra công ty đòi nợ, dịch vụ cầm đồ.
Mặc dù Công an TP khám phá nhiều vụ, bắt nhiều đối tượng liên quan và tuyên truyền trong nhân dân nhưng nhiều người vẫn bất chấp khuyến cáo mà vay tiền của các đối tượng này.
Do đó, Công an TP khuyến cáo mọi người cần cẩn thận khi vay tiền nhằm tránh rơi vào bẫy của các đối tượng tín dụng đen. Nếu bị đe dọa, khủng bố cần đề nghị công an can thiệp để tránh hậu quả đáng tiếc.
Trước đó, UBND TPHCM cũng kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.
Theo UBND TPHCM, dịch vụ đòi nợ thuê đang biến tướng, một số vụ việc có dấu hiệu câu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Để đòi nợ (theo ủy quyền của chủ nợ), các công ty này thường sử dụng chiêu trò, đe dọa mang tính chất xã hội đen, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ.
Chính quyền thành phố nhận định, thực tế quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Khi có tranh chấp, các bên tham gia thỏa thuận hoặc khởi kiện để tòa án giải quyết. Nhà nước còn có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật như tòa án, Viện kiểm sát, thi hành án...Nếu không thể cấm, UBND TPHCM đề nghị Trung ương ban hành các quy định bắt buộc để siết chặt hoạt động như: quy định về đồng phục, số lượng nhân viên tối đa mỗi lần đòi nợ... để tránh tụ tập băng nhóm gây mất an ninh trật tự.
Ngoài ra, thông báo danh sách nhân viên được cử đi đòi nợ cho công an phường nơi tiến hành đòi nợ, đối tượng đòi nợ đúng với hợp đồng ủy quyền đòi nợ. Điều này nhằm tránh tình trạng không đòi trực tiếp người nợ mà đòi qua thân nhân và gia đình người nợ, gây xáo trộn cuộc sống của người dân.Tính đến cuối năm 2017, thành phố có 65 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ (với tổng số vốn điều lệ hơn 374 tỷ đồng).Bắt 2 đối tượng cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu giang hồ
Khởi tố vụ án liên quan băng nhóm cho vay nặng lãi ở Bình Thuận
Cảnh báo thủ đoạn cho vay nặng lãi của các băng nhóm tội phạm
Mở rộng điều tra, truy bắt các băng nhóm cho vay nặng lãi
Khởi tố nhóm cho vay nặng lãi ôm bình gas dọa công an