Thứ trưởng Tô Anh Dũng: Có thể khẳng định rằng, công tác bảo hộ công dân trong thời gian qua luôn được Bộ Ngoại giao xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thực hiện thường xuyên, kịp thời. Trong đó điểm sáng là việc tổ chức các chuyến bay hỗ trợ công dân về nước trong hai năm qua đã được thực hiện đồng bộ, nề nếp, đáp ứng tốt nhu cầu về nước của công dân, đặc biệt chú trọng sớm đưa về các trường hợp công dân dễ bị tổn thương, gặp khó khăn, bị trục xuất...
Năm 2021, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức gần 600 chuyến bay đưa hơn 130.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước, cách ly tại các cơ sở quân đội hoặc tại cơ sở dân sự của các địa phương; góp phần giải quyết nhu cầu về nước của công dân. Hệ thống các cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam ở nước ngoài dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng luôn sẵn sàng và thường trực triển khai công tác bảo hộ công dân.
Nghị quyết của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 vừa được tổ chức vào tháng 12/2021 đã quán triệt cần “triển khai toàn diện, mạnh mẽ, kịp thời, hiệu quả công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người Việt Nam ở nước ngoài”, “chăm lo, hỗ trợ đồng bào ta, nhất là ở những địa bàn khó khăn”.
Trên cơ sở chủ trương, quan điểm chỉ đạo như trên, để tiếp tục thực hiện kịp thời và hiệu quả hơn nữa công tác bảo hộ công dân, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện sẽ phải tiếp tục nâng cao hiệu quả và khả năng sẵn sàng triển khai nhiệm vụ bảo hộ công dân ở nước ngoài. Trong đó, tôi cho rằng cần làm tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng chủ trương chính sách về bảo hộ công dân. Phối hợp ứng phó, xử lý tốt những vụ việc khủng hoảng về bảo hộ công dân.
Thứ hai, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả của công tác lãnh sự ở ngoài nước, công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Đáp ứng kịp thời các nhu cầu của công dân về giấy tờ, thủ tục ở nước ngoài để tạo điều kiện cho bà con có địa vị pháp lý, làm ăn sinh sống và hòa nhập với cuộc sống ở sở tại. Duy trì mối liên hệ mật thiết với công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ ba, chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngoại giao, cán bộ lãnh sự ở trong và ngoài nước có phẩm chất, năng lực vững vàng, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng tổ chức bộ máy làm công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, gồm cả các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài theo hướng toàn diện, từng bước hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu và đòi hỏi khách quan ngày càng lớn về bảo hộ công dân.
Thứ trưởng Tô Anh Dũng: Kể từ năm 1994 (khi ta bổ nhiệm Lãnh sự danh dự Việt Nam đầu tiên tại Lebanon) cho tới nay, ta đã bổ nhiệm 46 Lãnh sự danh dự Việt Nam trên toàn thế giới, trong đó có 34 Lãnh sự danh dự đang hoạt động.
Nhìn chung, các Lãnh sự danh dự hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, tích cực bảo hộ công dân. Các Lãnh sự danh dự cũng giúp cung cấp thông tin cho CQĐD, công dân Việt Nam trong khu vực lãnh sự, hỗ trợ các hoạt động của CQĐD, đón và thu xếp chương trình làm việc cho các đoàn công tác của Việt Nam, quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Một số Lãnh sự danh dự có nhiều thành tích đã nhận được những hình thức khen thưởng cao quý của Nhà nước ta như Huân chương hữu nghị (Tổng Lãnh sự danh dự tại Busan, Tổng Lãnh sự danh dự tại Gwangju (Hàn Quốc), Lãnh sự danh dự tại Anvers, Bỉ), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (Tổng Lãnh sự danh dự tại Busan), Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao (Lãnh sự danh dự tại Cộng hòa Côte D’Ivoire)...
Tháng 10/2021, lần đầu tiên, Bộ Ngoại giao tổ chức thành công Hội nghị Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài, được các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài, các Lãnh sự danh dự và các bộ, ngành trong nước đánh giá cao.
Thời gian tới, để mạng lưới Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát huy vai trò của mình trong công tác đối ngoại, Bộ Ngoại giao sẽ hoàn thiện để sớm ban hành “Đề án phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, với mục tiêu:
Thứ nhất là rà soát, đánh giá tổng thể về hệ thống Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài hiện nay.
Thứ hai là phủ rộng Lãnh sự danh dự Việt Nam trên toàn thế giới nhằm tăng cường hỗ trợ công dân Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ... (đặc biệt tại các địa bàn chưa có CQĐD ngoại giao, CQĐD lãnh sự chuyên nghiệp của Việt Nam).
Thứ ba là kiến nghị lộ trình cụ thể nhằm phát triển tổng thể, toàn diện hệ thống Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó bao gồm việc bổ nhiệm thêm các Lãnh sự danh dự cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các Lãnh sự danh dự đang hoạt động.
Bên cạnh đó, việc mở rộng mạng lưới Lãnh sự danh dự phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu đối ngoại và công tác lãnh sự đến năm 2030 và bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, ổn định, toàn diện; bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật, thông lệ quốc tế và đặc thù của từng địa bàn.
Trên cơ sở rà soát hiệu quả hoạt động của các Lãnh sự danh dự, nhu cầu của các CQĐD ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, việc phát triển mạng lưới Lãnh sự danh dự cần chia thành các giai đoạn với các tiêu chí cụ thể, ví dụ:
Giai đoạn 1, dự kiến bổ nhiệm Lãnh sự danh dự tại các địa bàn: có ứng viên phù hợp, đang hoàn tất hồ sơ; có nhiều tiềm năng hợp tác, nhất là về kinh tế; các nước đã mở Đại sứ quán tại Việt Nam mà ta chưa có CQĐD hoặc đang xúc tiến mở CQĐD tại Việt Nam.
Giai đoạn 2 dự kiến bổ nhiệm Lãnh sự danh dự tại một số địa bàn tiềm năng khác, nếu có ứng viên phù hợp. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng sẽ tích cực thúc đẩy việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hỗ trợ hoạt động của các Lãnh sự danh dự.