Đây còn là dịp để mọi người cùng nhớ về tổ tiên, về cội nguồn, đồng thời giáo dục con cháu về phong tục, tập quán nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

tet_viet_vov_3_uydy.jpg
Chồng chị Liên sắp đặt mâm cơm cúng gia tiên.

Hôm nay ngày 30 Tết, cũng là ngày kinh doanh bình thường tại Trung tâm thương mại Sa Pa, nhưng chị Nguyễn Thị Bích Liên quyết định nghỉ hẳn một buổi chợ để đi mua đồ làm mâm cơm cúng gia tiên ngày cuối năm. Vào những ngày này, hàng hóa cho lễ Tết tại Trung tâm thương mại Sa Pa không thiếu một thứ gì, từ cành đào, cây quất, xoài, dừa, đu đủ, quả Phật thủ .. cho tới gà, giò, chả, bánh chưng, măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương… Tất cả đều có sẵn giống như ở Việt Nam. 

Về nhà, chị cùng mẹ đẻ, bác Hà Thị Tằm 74 tuổi, bắt tay vào công việc dọn dẹp, lau chùi ban thờ, nhà cửa và làm mâm cơm cúng tất niên. Dù tuổi đã cao, bác Tằm vẫn còn rất nhanh nhẹn phụ giúp chị Liên bày mâm ngũ quả và chuẩn bị đồ nấu nướng.

Vào thời khắc giao thừa, tất cả mọi người trong gia đình 4 thế hệ nâng cốc chúc cho mọi điều tốt đẹp đến trong năm mới.

Sang định cư tại Cộng hòa Séc được hơn 20 năm và đến nay đã có đầy đủ cháu chắt, nhưng bác luôn giữ truyền thống sum họp ngày cuối năm tại gia đình, nơi mọi người bốn thế hệ gặp gỡ, chia sẻ chuyện kinh doanh, gia đình, học hành của con cái, cùng nhau ăn bữa cơm tất niên ấm cúng và chờ đón thời khắc giao thừa. Bác tâm niệm dù sống xa quê, đã là người Việt Nam thì phải giữ cho bằng được truyền thống văn hóa dân tộc, đặc biệt trong dịp Tết cổ truyền, và truyền cho thế hệ mai sau.

Bác tâm sự "Chúng tôi ở Châu Âu hiếm có thời gian tập trung lắm, vì nhà ai cũng thế, con cháu đi làm cả, vì thế ngày hôm nay rất quan trọng để gia đình tôi tập trung con cháu. Tôi là người sang đây đầu tiên trong gia đình, rồi để truyền đạt dẫn dắt từ đời con, sang đời cháu, chắt, các cháu sẽ sống và làm việc theo phong tục tập quán cổ truyền của Việt Nam không bao giờ thiếu được".

Chính cách suy nghĩ và định hướng giáo dục của bác Tằm đã có ảnh hưởng và lan tỏa tới tất cả thành viên trong đại gia đình, từ con trai, con gái tới các cháu nội, ngoại. Dù mỗi gia đình đều có công việc làm ăn riêng, nhưng khi có sự kiện quan trọng, nhất là vào dịp Tết, tất cả mọi người đều sắp xếp thời gian đến họp mặt, quây quần bên nhau đông đủ. Đó không chỉ đơn thuần là buổi sum họp đại gia đình, mà còn là dịp để nhớ về tổ tiên, ông bà, về cội nguồn và phong tục tập quán dân tộc.

Bác Tằm phát tiền mừng tuổi cho các cháu, chắt.

Sau ít giờ, với sự phụ giúp của một số thành viên gia đình đến sau, mâm cơm tất niên mang đậm hương vị Việt đã được hoàn tất và bày lên ban thờ gia tiên, xin phép mời tổ tiên, ông bà, các bậc tiền bối đã khuất chứng giám và mời họ về cùng hưởng vui Tết cùng gia đình theo phong tục truyền thống. Lúc này đã gần 6 giờ chiều (giờ địa phương, tức gần 12 giờ đêm giờ Hà Nội), mọi người ai nấy đều háo hức chuyện trò bên mâm cơm gia đình ngày cuối năm và mong chờ xem những màn pháo hoa qua truyền hình.

Chị Liên, con gái bác Tằm chia sẻ: “Tôi tâm trạng lúc này rất bồi hồi, vì hôm nay ngày 30 Tết gia đình chúng tôi làm mâm cơm cúng tổ tiên để tiễn năm cũ, đón năm mới. Bản thân tôi xa quê hương rất lâu, nhưng những ngày lễ tết cổ truyền gia đình luôn tổ chức những bữa cơm ấm cúng, hội tụ tất cả các thành viên gia đình với nhau, nâng cốc đón sang năm mới nhiều niềm vui, sức khỏe, cầu mong hạnh phúc bình an”.

Chị Liên bồi hồi chia sẻ cảm xúc gần thời điểm giao thừa.

Không chỉ bác Tằm, chị Liên mà các thế hệ trẻ trong gia đình có mặt tại buổi sum họp cuối năm đều có những cảm xúc đặc biệt về ngày Tết của Việt Nam. Trần Văn Sang, con rể chị Liên, cho biết trong ký ức của mình trước đây Tết gắn liền với những buổi chiều tối cùng bố mẹ chất củi luộc bánh chưng. Kể từ khi đặt chân sang Tiệp Khắc (cũ) nay là Cộng hòa Séc lúc 10 tuổi, Sang không còn có cơ hội làm điều đó nữa, nhưng thay vào đó bạn vẫn thường sum họp cùng gia đình, bạn bè nhân dịp Tết đến xuân về. Cũng giống như bác Tằm, Sang quan niệm người Việt Nam, dù ở đâu, làm gì, đều không được quên cội nguồn của mình.

Sang chia sẻ: “Thực ra tôi xa quê 23 năm rồi, chưa được ăn một cái Tết Việt Nam, mặc dù 23 năm nhưng bố mẹ tôi chưa bỏ qua một cái Tết nào. Đây là năm đầu tiên tôi về nhà vợ ăn Tết. Tôi thấy là dù có ở đâu hay thế nào đi chăng nữa thì vẫn cần phải giữ được cái gốc của quê hương mình. Còn điều tôi mong cùng cả gia đình, tức là cùng vợ và con về Việt Nam để ăn một cái Tết thực sự sau hơn 20 năm xa cách gia đình, anh em”.

Trong ký ức của nhiều người, Tết không những thể hiện sự háo hức của người lớn mà còn của cả trẻ em, bởi các cháu có dịp được mặc những bộ quần áo mới, nhận tiền lì-xì của người lớn, ăn các loại bánh kẹo hay đi chơi thỏa thích đó đây.

Xúng xính trong bộ quần áo dài dân tộc, cháu Phạm Xuân Lộc, 12 tuổi, con trai út chị Liên, cho biết sinh ra và lớn lên tại Cộng hòa Séc nhưng cháu luôn mong chờ tới ngày Tết cổ truyền dân tộc hàng năm. “Cháu rất là vui bởi mọi người, anh em đến đông đủ, rồi cháu rất thích Tết sẽ được lì xì, ăn nhiều món ăn Việt Nam ngon ví dụ giò, chả, thịt gà, và cháu cũng được nghỉ ở trường nữa”.

Cháu Phạm Xuân Lộc, 12 tuổi, con trai út chị Liên

Dù sống xa Tổ quốc, gia đình bác Tằm và nhiều gia đình người Việt khác tại Cộng hòa Séc vẫn tổ chức sum họp ngày cuối năm. Bỏ lại phía sau mọi lo toan, bộn bề của cuộc sống mưu sinh, mọi người chuyện trò vui vẻ và chờ đợi tới thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới để chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Vào giờ khắc này, tất cả họ cùng đồng lòng hướng về Tổ quốc, hướng về quê hương với cùng suy nghĩ dù đi đâu họ vẫn là người Việt Nam, duy trì phong tục Việt Nam./.