Mải làm ăn mưu sinh nên thấm thoát đã gần 20 năm ít có điều kiện trở về ăn Tết ở Việt Nam, nhưng chưa bao giờ anh Phạm Dũng ở Praha (Cộng hòa Czech) quên được những cái Tết sum họp đầm ấm ngày còn ở nơi quê nhà.

Anh cho biết: “Ngày Tết, tôi vẫn mua đào và cùng nhóm 17 gia đình vẫn rủ nhau gói bánh chưng, kho chè và đụng lợn. Tôi mua về một con lợn cùng các gia đình chia nhau mỗi người một chút, y như hồi còn nhỏ mỗi khi Tết đến cùng mẹ vác giá đi nhận phần thịt được chia ở tổ dân phố. Vui lắm”.

Trong gần 20 năm qua, anh luôn duy trì mâm cơm ngày 30 Tết để nhắc mình và vợ con nhớ về cội nguồn. Anh Dũng tâm sự: “Tôi là người sống rất cơ bản về ý thức truyền thống gia đình. Và năm nào cũng vậy, mỗi khi Tết sắp chạm cửa, dù kinh doanh bận rộn đến mấy, tôi vẫn cố gắng thu xếp công việc để lo tổ chức đón Tết Nguyên đán cổ truyền chu đáo trên xứ người với tâm niệm giữ cho gia đình, đặc biệt hai cô con gái sinh ra ở Cộng hòa Czech một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của tổ tiên đã theo tôi từ những ngày còn nhỏ. Năm nay, Tết Việt mình vào đúng 2 ngày cuối tuần, năm nào vào ngày thường thì tôi đến trường xin phép cho các cháu nghỉ học 2 ngày để đón Tết truyền thống”.

cung-tat-nien.jpg
Tuy sống trong một nền văn hóa khác, không chỉ các gia đình người Việt ở Cộng hòa Czech mà hầu như gia đình người Việt nào ở Đông Âu cũng lập một ban thờ nho nhỏ để nhang khói tổ tiên.

Người Việt Nam, ở trong cũng như ngoài nước, khi Tết đến, Xuân về đều háo hức đón Xuân, với mong muốn bắt đầu một năm mới may mắn, tốt đẹp.  Vì cuộc sống mưu sinh, công việc, học hành, nhiều người Việt phải ở lại nước ngoài đón Tết trong nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương da diết.

Nghe PS Tết của người Việt ở Đông Âu

Năm nay mùa đông ở Đông Âu về muộn hơn mọi năm. Thời tiết khá rét buốt, với nền nhiệt độ có lúc âm tới 20 độ C.  Ngày 30 Tết, mặc dù ngoài trời ngập đường tuyết trắng và giá lạnh nơi xứ người, nhưng trong mỗi ngôi nhà người Việt ở đây luôn có một ngọn lửa quê hương ấm áp đang đượm cháy.

Trước Tết cả chục ngày, Trung tâm thương mại Sapa (ở Thủ đô Prague của Cộng Hòa Czech) tấp nập người mua sắm. Tại đây có bán đủ các loại: hoa, bánh mứt và mặt hàng Tết.  Người Việt tại Czech sống tập trung tại một khu vực nên mỗi khi Tết đến, Xuân về, họ cùng quây quần bên nhau, cùng dọn dẹp nhà cửa, thu xếp công việc để có thể nghỉ ngày mùng 1 Tết. Tết Nguyên đán Việt Nam hầu như chỉ diễn ra trong cộng đồng người Việt, mọi sinh hoạt xã hội vẫn bình thường, bà con vẫn phải đi làm, không có ngày nghỉ như ở Việt Nam nên họ phải thu xếp công việc mới có thời gian tổ chức vui đón Tết cổ truyền dân tộc thật tươm tất.

Truyền thống gói bánh chưng ngày Tết vẫn được cộng đồng người Việt ở Czech nâng niu, trân trọng giới thiệu với bạn bè người nước ngoài với niềm tự hào. Những ngày áp Tết, không ít gia đình đi chợ mua lá dong, gạo nếp, thịt lợn... tự tay gói bánh, làm giò. Dù bận rộn, nhưng ai nấy đều cố gắng bày trên bàn thờ tổ tiên mâm ngũ quả, cặp bánh chưng xanh, hộp mứt Tết để vơi nỗi nhớ nhà.  

Anh Trần Quý Túy- Giám đốc doanh nghiệp truyền thông tại Bruno (Cộng hòa Czech) cho biết: “Dù bận việc ở công ty, nhưng tôi vẫn không quên ngày Tết quê nhà. Có những cái Tết vì công việc không về được Việt Nam, tôi rất nhớ mẹ, nhớ gia đình. Ngày nào tôi cũng gọi điện thoại về cho mẹ.  Thay vì nhớ nhung, tôi mua bánh, mua gạo, rồi cùng các cháu gói vài cái bánh chưng để cho các cháu cảm nhận được à quê là như thế. Trước Tết khoảng 6 tháng, tôi đặt một người Czech nuôi vài con gà trống và cũng bắt về nhốt tại nhà khoảng 2-3 hôm trước Tết theo đúng phong tục quê nhà rồi mới làm thịt để cúng ông bà tổ tiên.

Tôi cũng yêu cầu tất cả mọi người trong nhà phải có mặt đầy đủ vào bữa cơm tất niên hằng năm. Sau giao thừa, chúng tôi cũng lì xì bằng tiền hoặc quà cho các cháu”.

Tuy sống trong một nền văn hóa khác, không chỉ các gia đình người Việt ở Cộng hòa Czech mà hầu như gia đình người Việt nào ở Đông Âu cũng lập một ban thờ nho nhỏ để nhang khói tổ tiên. Ban thờ nhà anh Nguyễn Viết Quý ở Warsaw (Ba Lan) ngày Tết đầy đủ cả đèn nhang, mâm ngũ quả, bánh chưng xanh, giò chả, mứt kẹo, hoa tươi và phong bao lì xì,… Ngày Tết có gà luộc nguyên con, đĩa xôi khéo tay đơm đầy đặn và các món ăn dân tộc cúng tổ tiên.

Văn hóa đón Tết truyền thống vẫn được người Việt xa xứ lưu giữ dù ở bất cứ nơi đâu. Nét văn hóa truyền thống tốt đẹp đã được hầu hết bà con Việt kiều duy trì từ những ngày đầu họ đặt chân tới vùng đất xa lạ. Nó không chỉ giúp họ có những giờ phút thoải mái bứt khỏi công việc để nhớ về quê hương đất nước, mà điều có ý nghĩa quan trọng hơn là để nuôi dưỡng một dòng máu trong tim các thế hệ con cháu luôn chảy về cội nguồn dân tộc. Chị Phương Hoa cho biết: “Gia đình tôi vẫn giữ các phong tục cổ truyền của Việt Nam. Tết năm nào cũng vậy, tôi đều giữ phong tục mừng tuổi cho con mình, và cho con bạn bè của mình”.

Tết đến, Xuân về, dù không được đón năm mới nơi quê nhà, nhưng đối với mỗi người xa xứ họ cảm thấy ấm lòng khi cùng nhau quây quần bên mâm cơm đầy đủ món ăn Việt Nam. Trong cái lạnh của trời Âu, ăn một bát miến nóng hổi, vị giòn dai của miến, ngọt của thịt, đăng đắng của măng hay hăng hăng của dưa hành, dẻo thơm của bánh chưng cũng làm vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà…/.