Tham gia cách mạng từ khi tuổi mới đôi mươi, năm nay dù đã bước sang tuổi 68 nhưng cựu chiến binh, thương binh Bùi Thị Tưởng, Chi hội Cựu chiến binh phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum vẫn tích cực tham gia công tác xã hội. Không chỉ vậy, bà còn là giám đốc một doanh nghiệp thành đạt. Với bà Tưởng, còn sống là còn làm việc và còn học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Dù đã bước sang tuổi 68, cựu chiến binh, thương binh Bùi Thị Tưởng vẫn nhanh nhẹn trong cuộc sống thường ngày, chính xác từng bước đi trong việc dẫn dắt, điều hành một doanh nghiệp lớn. Đều đặn mỗi sáng - chiều, bà đến trụ sở công ty TNHH Xây dựng Thành Đạt, số 69, đường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum để làm việc.

Chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, từ sự nhiệt tình và trách nhiệm của mình, Công ty của bà luôn tạo việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống cho gần 100 lao động, với đa số là con em đồng đội, đồng chí của bà và con em gia đình thương binh liệt sĩ.

ba-bui-thi-tuong-1.jpg

Bà Bùi Thị Tưởng tại Đại hội Cựu chiến binh vượt khó giúp nhau làm giàu tháng 10/2011 (Ảnh: Chinhphu.vn)

Tâm sự về công việc của mình, bà Bùi Thị Tưởng cho biết: “Nhiều lần, tôi liên hệ với đối tác thì họ nói, chị đi làm chi cho vất vả. Tôi trả lời họ rằng: Bác Hồ lo cho cả nước thì mình ít nhất không lo cho cả nước được thì cũng có thể lo cho một nhóm người. Công ty của tôi mở ra là toàn con cháu thương binh, con cháu gia đình. Mở doanh nghiệp để tạo công ăn việc làm cho các cháu. Nếu như có tiền thì giúp đỡ những người nghèo khó chứ không phải mở doanh nghiệp để thu lợi cho bản thân”.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 1964, tốt nghiệp trường Sư phạm Quốc gia Quy Nhơn dưới chế độ cũ, bà Tưởng về dạy học tại một xã vùng ven thị xã Kon Tum. Chủ động móc nối liên lạc với cách mạng, được Thường vụ H5 tin tưởng chọn làm cơ sở nòng cốt hoạt động nội tuyến, nhiệm vụ của bà là làm công tác binh vận, khai thác thông tin cung cấp cho cách mạng.

Hồi ấy, những người dân ở thị xã nhỏ bé Kon Tum nhiều năm liền, không ai có thể ngờ, từ năm 1965-1968, quán giải khát Cao Nguyên với cô chủ quán là giáo viên xinh đẹp, nơi thường xuyên lui tới của đám sĩ quan, biệt kích khét tiếng tàn ác Lôi Hổ lại là một cơ sở cách mạng. Trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, quán Cao Nguyên là nơi cất giấu hàng tấn vũ khí, là cơ sở nuôi giấu bộ đội chờ giờ nổ súng. 

Sau cuộc tổng tấn công nổi dậy Tết Mậu thân, nhiều cơ sở cách mạng ở Kon Tum bị lộ, cả gia đình bà Tưởng bị địch bắt giam. Riêng bà, chúng kết tội phản nghịch và tuyên 3 năm 6 tháng tù giam. Trong suốt những ngày tháng bị địch giam cầm từ Kon Tum đến Quân lao Nha Trang, bà cùng đồng đội đấu tranh với kẻ thù, kiên trung với lý tưởng, với cách mạng.

Kỷ niệm mà bà nhớ nhất là cuộc đấu tranh tại Quân lao Nha Trang, giành quyền để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh và lập bàn thờ khi người qua đời.

Bà Tưởng kể lại: “Tất cả mặc bộ đồ bà ba đen hết, thêu ở trên ngực một nửa chỉ đỏ, một nửa chỉ đen là để tang. Hồi đó, thêu đẹp lắm. Sau đó bọn địch xuống, chúng đánh chúng tôi. Chúng bắt 5 người ra đầu tiên rồi nhốt vào chuồng cọp và đánh bầm người, tím mặt trong khi trời lại lạnh và mưa lâm râm”.

Ngay sau khi ra khỏi nhà tù của Mỹ ngụy, bà Tưởng tiếp tục tham gia hoạt động nội tuyến tại thị xã Kon Tum và vào năm 1972, một lần nữa bà bị  bắt tại Đắk Tô khi đang làm công tác cứu thương cho bộ đội trong chiến dịch Xuân- Hè 1972. Địch lại kết án, đưa bà đi khắp các nhà tù từ Kon Tum đến Quân lao Nha Trang.

Đất nước hòa bình, thống nhất, Cựu chiến binh Bùi Thị Tưởng trở lại với sự nghiệp giáo dục đến khi nghỉ hưu năm 2001. Năm 2002, bà thành lập Công ty TNHH Thành Đạt.

Bà Bùi Thị Luận, người chỉ huy trực tiếp của bà Tưởng cùng bị địch bắt trong Đội biệt động H5 Kon Tum cho biết: “Tôi cứ nghĩ là chị Tưởng sẽ không chịu nổi cái cực khổ, chịu đựng ở trong tù nhưng không ngờ, khi vào tù chị lại cùng với chúng tôi gắn bó với đồng đội, những người trung kiên ở trong tù đấu tranh từ nhà tù Kon Tum xuống đến Quân lao Nha Trang.

Hiện nay, chị Tưởng rất là xứng đáng là một cựu chiến binh về hưu, tích cực hoạt động kinh tế, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động trong tỉnh và còn góp phần giải quyết khó khăn trong Hội Cựu chiến binh. Những người nghèo, đồng đội đều được chị giúp đỡ”.

Những trận đòn tàn bạo của kẻ thù, thương tật 3/4, bị nhiễm chất độc da cam, nỗi buồn không được làm mẹ đều không ngăn được tinh thần hăng say lao động, luôn mong muốn được cống hiến của thương binh Bùi Thị Tưởng.

Hiện tại, cùng với vai trò giám đốc điều hành Công ty TNHH Thành Đạt, bà Tưởng còn tham gia tích cực các hoạt động của Hội Cựu giáo chức tỉnh Kon Tum, hoàn thành tốt vai trò Trưởng ban liên lạc tù chính trị thành phố Kon Tum, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ doanh nghiệp tỉnh.

Cựu chiến binh Bùi Thị Tưởng cho biết, nếu còn sức lực, bà còn nỗ lực phấn đấu làm ra của cải vật chất cho xã hội, tiếp tục giúp đỡ những người đồng chí, đồng đội và con em họ. Đây chính là niềm vui, là tâm nguyện của bà./.