Có thể một lúc nào đó Sophie English, một trong những đứa trẻ được đưa khỏi Việt Nam sang Australia trong chiến dịch babylift (không vận trẻ em) năm 1975, vô tình lướt qua mẹ mình trên những con phố Sài Gòn mà không hề hay biết. 
Được sinh ra ngay giữa thời kỳ chiến tranh ác liệt nên cô hầu như không biết thông tin gì về gia đình mình, về lý do họ bỏ rơi mình. Mối liên kết giữa cô với người mẹ ruột, với vùng đất quê hương dường như đã bị xóa bỏ khi cô mới chỉ 10 tháng tuổi. 
123_bb4e7_knwg.jpgSophie English (phải) cùng một người bạn cùng được đưa sang Úc trong chiến dịch không vận năm xưa. (Ảnh: Daily Mail)
“Nếu bạn cứ mãi đắm chìm trong những suy nghĩ đó thì chỉ khiến bạn bật khóc mà thôi. Thật khó để diễn tả cảm xúc đó thành lời”, Sophie tâm sự.
Nỗi đau khổ khi không hề biết mình là ai hay nơi mình thuộc về đã hằn sâu trong Sophie, và trở thành nỗi ảm ảnh thường trực đối với Sophie.
Dù hạnh phúc khi được trưởng thành tại Australia nhưng đôi khi cô vẫn cảm thấy lạc lõng. Cô thường tự hỏi liệu cuộc sống của mình sẽ như thế nào nếu được lớn lên bên cạnh cha mẹ ruột. 
"Có thể nếu ở lại Việt Nam, tôi sẽ lớn lên trên những con thuyền đánh cá và sống cuộc sống mưu sinh như một ngư dân thực thụ, nhưng lúc đó trong tôi sẽ luôn tràn đầy cảm giác hạnh phúc của gia đình. Như vậy, có khi giờ tôi đã có cháu rồi cũng nên và có lẽ sự lạc lõng trong tôi cũng sẽ được lấp đầy", Sophie tâm sự.       
Gần 40 năm kể từ khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, Sophie cùng với bạn mình mới có cơ hội trở về quê hương Việt Nam để gặp một người mẹ đã từ bỏ con mình do những điều kiện khó khăn trong chiến tranh. Cô đã phải chờ đợi rất nhiều năm để được nói chuyện với người mẹ ấy.

"Tôi mong người mẹ ấy có thể hiểu rằng đó không phải là lỗi của bà… Đó là điều tốt nhất mà bà có thể làm giữa lúc chiến tranh căng thẳng. Chúng tôi, những người con trong chiến dịch không vận năm xưa, sẽ cố gắng sống thật ý nghĩa để cha mẹ ruột của chúng tôi sẽ cảm thấy tự hào”, Sophie nói./.