Là một nhà sử học người Mỹ, từng viết nhiều cuốn sách về chiến tranh Việt Nam, nhưng khi được tiếp cận và viết cuốn sách về Phạm Xuân Ẩn, một nhà tình báo xuất sắc của Việt Nam, Larry Berman đã phải thốt lên rằng “Tôi đã có cái nhìn khác về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam”.
Tôi đã đọc sách của Larry Berman về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam từ khá lâu. Không giống như nhiều nhà sử học người Mỹ khác, Larry có cái nhìn khá cân bằng về lịch sử trong cuộc chiến tranh này. Những cuốn sách mà ông viết về cuộc chiến tranh Việt Nam bao giờ cũng chứa đựng một thông điệp rõ ràng: Người Mỹ không nên can thiệp vào Việt Nam và quyết định tham chiến của quân đội Mỹ ở Việt Nam là một sai lầm.
Từ cuốn “Hoạch định 1 thảm kịch: Qúa trình Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam”; “Cuộc chiến của Lyndon Johnson: Đường đến bế tắc tại Việt Nam” cho đến cuốn sách mang tên “Không hòa bình, không danh dự: Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam”. Nhưng có lẽ ấn tượng mạnh nhất của tôi đối với cái tên Larry Berman chính là cuốn sách mà ông viết về nhà tình báo xuất sắc của Việt Nam Phạm Xuân Ẩn mang tựa đề “Điệp viên hoàn hảo”.
Cuốn sách đã mang lại cho tôi nhiều hứng thú, một cái nhìn hoàn toàn mới về cuộc chiến tranh mà những người như thế hệ chúng tôi chỉ biết qua sách vở hay lời kể của những người đi trước.
Nhà sử học Larry Berman chia sẻ: “Trước kia tôi đã viết một số cuốn sách về chiến tranh về Việt Nam. Góc nhìn của tôi luôn là góc nhìn của người Mỹ. Ông Ẩn đã giúp tôi nhìn cuộc chiến tranh từ con mắt của người Việt Nam nhưng không kèm theo bất kỳ sự thù oán hay quy chụp góc nhìn của tôi là sai. Ông Ẩn cho rằng tôi cần nghe câu chuyện từ góc nhìn của ông ấy, một người yêu quý, trân trọng người Mỹ và lối sống của họ. Ông Ẩn có thời gian sống vui vẻ ở Mỹ nhưng vẫn luôn tin rằng người Mỹ không có cớ gì mang quân sang Việt Nam. Với sứ mệnh của ông Ẩn là phải đánh đuổi quân đội Mỹ và ông ấy sẽ làm mọi điều để đuổi họ, bảo vệ đất nước của mình. Ông ấy không ghét người Mỹ, người dân ở đâu cũng giống nhau và chúng ta nên hợp tác với nhau. Chính phủ Mỹ mới là người điều quân đến Việt Nam và ông ấy giúp tôi nhìn về cuộc chiến từ góc nhìn của ông ấy. Điều đó rất quan trọng”.
Cuộc đời hoạt động tình báo đầy ly kỳ hấp dẫn nhưng vô cùng nguy hiểm của Phạm Xuân Ẩn với bí danh X6 thuộc cụm tình báo H.63 được nhà sử học Larry Berman thể hiện một cách trung thực sinh động trong cuốn “Điệp viên hoàn hảo” - ra mắt công chúng Mỹ cách đây tròn 8 năm và ra mắt công chúng Việt Nam sau đó không lâu. Cuốn sách đã gây chấn động trong dư luận Mỹ. Và 6 năm sau khi cuốn sách đầu tiên ra đời, Larry Berman đã quay trở lại Việt Nam để cho ra mắt phiên bản cập nhật với những thông tin chưa từng được công bố về cuộc đời phi thường của Phạm Xuân Ẩn. Cuốn sách cập nhật này đã được ra mắt bằng phiên bản tiếng Việt trước khi xuất bản bằng tiếng Anh.
“Tôi đã có thể thanh thản nhắm mắt” - Larry Berman đã dùng câu nói của Phạm Xuân Ẩn làm tựa đề cho chương mở đầu của cả hai cuốn sách. Đây chính là cảm xúc của Phạm Xuân Ẩn khi ông đặt chân lên chiến hạm USS Vandergriff tháng 11/2003, chiến hạm đầu tiên của Mỹ tới Việt Nam kể từ khi kết thúc chiến tranh năm 1975. Phạm Xuân Ẩn coi đây là biểu tượng hòa giải giữa Việt Nam và Mỹ, hai đất nước mà ông đều nặng tình. Và vào khoảnh khắc đó, trên con tàu đó, Phạm Xuân Ẩn cảm thấy đời mình vậy là đã trọn vẹn.
Qua những trang sách của Lary Berman, Phạm Xuân Ẩn hiện ra như một “Điệp viên hoàn hảo”, một bậc thầy về tình báo chiến lược sử dụng con người. Cảm phục và cũng phần nhiều tò mò đã trở thành động lực thôi thúc tác giả đã 18 lần sang Việt Nam trong vòng 5 năm để thu thập tư liệu cho lần xuất bản đầu tiên. Và sau đó, thêm chừng ấy thời gian cho ấn phẩm cập nhật ra mắt bạn đọc Việt Nam năm 2013.
“Tôi cần rất nhiều thời gian để hoàn thành cuốn sách này. Mỗi lần đến Việt Nam, tôi ở lại 2 tuần. Cứ 6 tuần tôi sang Việt Nam 1 lần. Sáng nào tôi cũng đến nhà ông Ẩn, nói chuyện đến 2 giờ chiều, thậm chí, đến khi nào ông ấy mệt thì dừng lại. Tôi đã làm việc đó trong vòng 5 năm. Khi ông Ẩn còn sống ông ấy đã biết cuốn sách được xuất bản và tôi đã có đủ tư liệu để viết.
Để hiểu rõ về Phạm Xuân Ẩn, tôi cũng đã gặp nhiều đồng đội của ông Ẩn như ông Tư Cang, bà Nguyễn Thị Ba, hiểu về mạng lưới tình báo đã bảo vệ ông Ẩn như thế nào. Tôi cũng tra cứu nhiều tài liệu bên Mỹ để tập hợp nhiều nguồn tin để xây dựng về cuộc đời ông Ẩn”, Larry Berman chia sẻ.
Viết về Phạm Xuân Ẩn, Larry Berman đã thực sự nhìn vào cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam bằng cả hai con mắt. Một bên đại diện cho phe tham chiến và một bên chống lại cuộc chiến. Những góc khuất, những nguy hiểm trong cuộc đời hoạt động của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn sẽ mãi là một ẩn số nếu như không có sự kiên trì, tìm tòi, sáng tạo của nhà sử học Larry Berman. Cuộc đời của ông Phạm Xuân Ẩn không chỉ mang lại góc nhìn khác về cuộc chiến tranh Việt Nam cho Larry, mà nó còn mang một thông điệp lớn hơn cho chính những người Mỹ và người Việt Nam. Đó là cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì chính nghĩa và 2 nước cần phải quên đi quá khứ, hướng tới tương lai.
Larry Berman nói: “Khi tôi bắt đầu viết cuốn sách này, tôi muốn hướng tới các bạn trẻ ở Mỹ và Việt Nam, những người không hiểu nhiều về cuộc chiến tranh trước kia. Từ cuộc đời Phạm Xuân Ẩn, mọi người có thể hiểu thêm nhiều về cuộc chiến cũng như nỗ lực hàn gắn sau chiến tranh. Đó là bài học quý giá. Tôi mong rằng cuốn sách sẽ tác động đến các bạn trẻ. Họ được sinh ra sau chiến tranh và họ hiểu thêm về cuộc chiến qua cuốn sách của tôi. Điều này quan trọng với tôi và với Phạm Xuân Ẩn. Ông Ẩn cho rằng các bạn trẻ có thể học được nhiều điều từ cuộc đời của ông như tâm huyết cống hiến cho đất nước, tình yêu Tổ quốc, và sự quan trọng của việc hàn gắn. Đó chính là động lực của Phạm Xuân Ẩn. Trong thời chiến ông dựa vào động lực đó để hoàn thành nhiệm vụ. Sau chiến tranh, động lực này khiến ông dẫn dắt quá trình hàn gắn giữa Việt Nam và Mỹ. Hơn ai hết ông ấy hiểu về tiềm năng giữa hai nước”.
Với cương vị một trưởng khoa đào tạo nhân tài ưu tú của trường Đại học Geogia, Larry vẫn đi đi về về giữa Việt Nam và Mỹ để trực tiếp tuyển chọn sinh viên. Năm 2012, đã có 9 sinh viên Việt Nam được tuyển chọn để theo học tại trường đại học này. Theo giáo sư Larry Berman, con đường dẫn tới sự hiểu biết nhanh nhất chính là trao đổi giáo dục. Giáo dục cũng là cách để ông thực hiện tâm nguyện muốn hàn gắn quan hệ Việt Nam - Mỹ của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn lúc còn sống./.
Nhà sử học Larry Berman - là Giáo sư danh dự của trường Đại học Califonia, Mỹ. Hiện là Trưởng khoa Đào tạo nhân tài ưu tú của trường Đại học bang Geogia, Mỹ.
- Những cuốn sách về chiến tranh Việt Nam cùng tác giả:
“Hoạch định 1 thảm kịch: Quá trình Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam”;
“Cuộc chiến của Lyndon Johnson: Đường đến bế tắc tại Việt Nam”
“Không hòa bình, không danh dự: Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam”
"Điệp viên hoàn hảo" - (2007)
"Điệp viên hoàn hảo cập nhật - X6 (2013)