Ngày 25/8, hàng trăm Phật tử và bà con kính yêu đạo Phật tại Cộng hòa Séc đã xúc động tham dự Đại lễ Vu Lan báo hiếu 2019 tại Trung tâm thương mại Sa Pa ở thủ đô Praha để bày tỏ lòng tri ân công đức đối với các đấng sinh thành. Tới tham dự buổi lễ có các chư tăng tới từ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tổ đình Vĩnh Nghiêm, thành phố Hồ Chí Minh, đoàn Giáo thọ sư Trung ương hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Séc, các đoàn Phật tử tới từ Hungary, Đức, Ba Lan, đại diện lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Liên hiệp hội người Việt Nam tại châu Âu, Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc và các hội đoàn người Việt.

a1_vov_bvyd.jpg
Chương trình được tổ chức mang đậm nghi lễ Phật giáo.

Buổi Đại lễ Vu Lan 2019 được tổ chức ấm cúng, trang trọng với nhiều nghi thức Phật giáo như cung thỉnh chư tôn đức, niệm Phật cầu gia bị, dâng hoa cúng dường, nghe giảng pháp thoại, tụng kinh cầu siêu, trai đàn chẩn tế.

Trong bài pháp thoại của mình, Thượng tọa Thích Giác Dũng, Tiến sĩ Phật học, Phó trụ trì Tổ đình Vĩnh Nghiêm, Tu viện trưởng Tu viện Vĩnh Nghiêm, nêu bật ý nghĩa nhân văn của lễ hội Vu Lan, trong đó có đạo lý uống nước nhớ nguồn, luôn nhớ tới tổ tiên, kính trọng lễ phép với ông bà, hiếu thảo với mẹ cha. Thương tọa nhấn mạnh cho dù có sống ở bất cứ nơi đâu, người Việt Nam luôn phải luôn giữ trong mình, và giáo dục các thế hệ con cháu nuôi dưỡng truyền thống tốt đẹp đã có từ hàng ngàn năm nay đó của dân tộc.

Hơn 400 bà con Phật tử tham dự Đại lễ Vu Lan báo hiếu 2019.
Xúc động lễ dâng trà, tỏ lòng thành kính với mẹ cha.

Mùa lễ Vu Lan báo hiếu là dịp để những người con đất Việt ở khắp mọi miền, trong đó có những người con sống xa xứ tại Cộng hòa Séc, thể hiện lòng hiếu thảo của mình đối với đấng sinh thành thông qua nhiều hành động thiết thực. Đó đơn giản chỉ là những cái ôm thật chặt, quỳ gối dâng trà, cài hoa hồng trên áo mẹ cha, cùng với đó lời xin lỗi chân thành và cả những giọt nước mắt tuôn rơi.

Các cháu nhỏ thực hiện nghi lễ bông hồng cài áo.

Xúc động khi đón nhận chén trà dâng từ con gái đang quỳ trước mặt, Phật tử Tường Thị Thoa (pháp danh Diệu Liên) năm nay 83 tuổi, cho biết với bà mọi món quà con cháu tặng đều trở nên không còn ý nghĩa nếu như con cái không hiếu thảo với mẹ cha.  

“Hôm nay là ngày lễ Vu Lan, tôi rất vui và cảm động khi con cháu tỏ lòng hiếu thảo với mình, như thế thực sự không có gì quý giá bằng. Chúng tôi cũng mong sao sau này tất cả các con cháu đều phải hiếu thuận với mẹ cha như thế để cảnh già chúng tôi được mừng”.

Còn chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp, con gái bà Thoa, nói rằng sau nhiều năm sống xa xứ, chị mới có điều kiện đón mẹ sang cùng để tận tay chăm sóc bà lúc tuổi già. Vẫn chưa hết xúc động khi nghi lễ dâng trà kết thúc, chị Diệp chia sẻ:

“Là những người con đi theo đạo Phật, sống ở nơi đất khách quê người, chúng tôi rất vui khi có những buổi lễ Vu Lan như thế này để thể hiện lòng hiếu thảo với cha, với mẹ, vì chúng tôi ở xa không có điều kiện chăm sóc cha mẹ từ miếng cơm cho tới giấc ngủ, bưng cho cha mẹ tách trà cũng không có. Thực sự ngày hôm nay tôi rất xúc động, và mong rằng những buổi như thế này sẽ được tổ chức hàng năm để các thế hệ con cháu sau này bày tỏ tình cảm của mình đối với công ơn trời biển của cha mẹ”.     

Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp mãn nguyện khi giờ đây có thể chăm sóc mẹ lúc tuổi già tại Séc.
Nhiều thanh thiếu niên tham dự buổi lễ để được hiểu về bổn phận và nghĩa vụ của người làm con.

Tri ân ông bà, cha mẹ là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ con cháu đối với những người có công sinh thành, dưỡng dục mình. Nhiều gia đình mang theo con tới tham dự buổi lễ để giáo dục các cháu về đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn, qua đó giúp các cháu hiểu được bổn phận, trách nhiệm của người làm con đối với mẹ cha.

Dù kết thúc tối muộn với lễ Trai đàn chẩn tế cầu siêu, nhưng chương trình đã gây xúc động mạnh đối với hơn 400 người tham dự về tình mẫu tử, đạo làm con, đặc biệt là đối với những người đang sống xa quê hương./.