Đó là câu chuyện cảm động về trường hợp học viên quân sự Trần Tuấn Anh thất lạc gia đình nhiều năm qua do vấn đề về thần kinh.
Những giọt nước mắt cảm động của anh Trần Hải Triều đã rơi trong một ngày Moscow nắng đẹp sau suốt mấy ngày xầm xì, mưa gió và lạnh ... đầu tháng 5 này, khi anh cùng một số bà con cộng đồng Việt Nam và đặc biệt là các cán bộ Tuỳ viên Quốc phòng Việt Nam tại Nga vào bệnh viện Thần kinh số 4, Moscow để đón người anh ruột là Trần Tuấn Anh vừa được xuất viện.
Câu chuyện của hơn 20 năm lưu lạc thì dài, lại trong tâm trí của một người không đủ sức khỏe tinh thần nên chẳng còn bao nhiêu thông tin. Nhưng ngồi lại với nhau trong một không gian đầm ấm như gia đình thân thiết trong khu nhà ở của Cơ quan Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Nga, anh Trần Tuấn Anh có vẻ nhớ lại được nhiều sự việc đã lướt qua cuộc đời anh như một cuốn phim chiếu rất chậm và có nhiều đoạn đứt quãng.
Việc mà anh Tuấn Anh nhớ nhất là anh đã học gần hết năm thứ 3 Đại học Quân sự Minsk (nước Cộng hòa Belarus thuộc Liên Xô cũ) vào năm 1990 - 1991 và học cùng với rất nhiều các bạn sinh viên Cuba, Hungary, Bulgaria, Đức...
Anh Tuấn Anh còn nhớ tên mấy người bạn Cuba thân nhất là Angel Miren, Mangray Sadieng ... Nhưng rồi vì sao anh lại từng được xe cấp cứu 03 của Nga đưa vào một bệnh viện ở Sokolniky, rồi từng được đưa đến một trại an dưỡng và giờ đây lại được em trai và những người đồng hương Việt Nam và đặc biệt là các đồng chí trong Quân đội đón anh từ bênh viện Thần kinh số 4 Moscow để ngay chiều nay sẽ trở về Việt Nam... thì anh không nhớ chi tiết.
Trong câu chuyện của mình, anh nói rằng, anh đã từng làm phiên dịch cho dịch vụ châm cứu tại Nga một thời gian ngắn và có lui tới, nghỉ nhờ ở một gia đình người quen trong khu “Đôm 5 cũ”, một địa chỉ mà những ai từng học tập, sinh sống tại Moscow những năm 90 của thế kỷ trước đều biết rất rõ.
Chắp nối với nhiều chi tiết lúc nhớ, lúc quên của mình anh Tuấn Anh cho biết, anh sinh năm 1969, vốn là học sinh giỏi của huyện Thái Thụy, Thái Bình. Anh đã trở thành học viên quân sự và được Bộ Quốc phòng Việt Nam cử sang Liên Xô học từ năm 1987. Nhưng vào cuối năm thứ 3 anh Tuấn Anh đã có những biểu hiện của bệnh tâm thần.
Thế nhưng, khi Bộ Quốc phòng còn chưa kịp xử lý với trường hợp của anh để đưa anh về nước điều trị thì những biến động chính trị của Liên Xô dẫn đến tan vỡ rồi do những chính sách phối hợp giữa hai bên chưa kịp thời nên đã mất liên lạc.
Anh Tuấn Anh kể là tất cả sinh viên nước ngoài phải đi về, nhưng có thể khi đó, đúng vào thời điểm anh không tự chủ được bản thân vì căn bệnh tâm thần nên anh đã không về nước và cũng bỏ đi khỏi học viện mà không cho ai biết. Cũng bởi tình hình phức tạp thời gian đó mà mọi người đã mất liên lạc với anh.
Hỏi chuyện người em trai Trần Hải Triều thì anh cho biết, gia đình thời gian đó cũng gặp nhiều khó khăn, mẹ lại lâm trọng bệnh nên cũng không có điều kiện “gióng riết” đi tìm anh trai.
Sau này, khi mẹ qua đời (năm 1998), gia đình cũng đã nhờ nhiều đầu mối để tìm hiểu nhưng chưa ra. Suốt thời gian ấy, người cha già ngày nào cũng đau đáu mong tin con.
Anh Triều kể lại: “Bố em có một niềm tin mãnh liệt rằng cụ sẽ ngóng được tin con mình. Bố em là người lính cách mạng cho nên bố em luôn bảo: “Cứ yên tâm, quân đội đưa đi, quân đội nhất định sẽ đưa về”.
Mặc dù, cuối cùng thì mọi việc đúng như ông đã tin, thế nhưng, việc tìm ra Tuấn Anh không là chuyện đơn giản nếu như không có một sự tình cờ đầy may mắn mà cả phía Nga cũng như phía Việt Nam đều chưa nghĩ đến.
Trong một lần giúp người bạn đến đón người thân được cho là bị tâm thần và đang ở trong bệnh viện thần kinh số 4 Moscow, chị Tạ Thị Đông, một người từng sinh sống ở Nga tới gần 30 năm nay đã gặp nữ bác sỹ Svetlana ở chính bệnh viện mà Tuấn Anh đang được cưu mang điều trị.
Không hiểu vì tin tưởng chị Đông hay vì một linh cảm nào đó mà vị bác sỹ nhân hậu Svetlana đã quyết định nhờ chị tìm người thân cho bệnh nhân Tuấn Anh mà bà còn chưa có chút thông tin gì liên quan.
Thế rồi, với sự nhiệt tình của chị Đông, với những tấm lòng nhân ái, nhiệt tình của bà con cộng đồng khi cùng nhau “xúm lại” đưa thông tin về Tuấn Anh lên trang mạng xã hội Facebook mà người em trai đã kết nối được với đúng nơi cần tìm và xác định đúng là anh trai của mình.
Nói về việc làm mà tự bản thân chị cũng thấy là không to tát gì nhưng lại có một kết thúc “có hậu” như vậy, chị Tạ Thị Đông chia sẻ: “Em cũng nghĩ đơn giản, mình là một người Việt Nam, anh Tuấn Anh cũng là một người Việt Nam, cùng xa quê hương, Tổ quốc. Vô tình khi vào viện em gặp anh Tuấn Anh trong hoàn cảnh người nhà không có, bạn bè không có ai cả, thì em hỏi anh ấy địa chỉ để mình nhờ cộng đồng mạng đưa thông tin lên để tất cả bà con mình giúp tìm người thân cho anh ấy. Nói thực sự, em giúp được anh ấy thì em cũng rất là mừng, bởi vì bà con mình xa quê như thế này mà giúp đỡ nhau được một cái gì đó và nhất là giúp được cho bố anh ấy thì nhiều lúc em nghĩ em cũng thấy rất xúc động”.
Qua những dòng thông tin về việc tìm người thân cho anh Trần Tuấn Anh qua mạng, bà con người Việt tại Nga đã nghĩ đến việc quyên góp tiền để hỗ trợ tìm cách đưa được anh về Việt Nam, tìm được gia đình của anh.
Nhưng từ khi Đoàn Quản lý Lưu học sinh Quân sự 871 – Bộ Quốc phòng biết thông tin, đã xác định đúng Trần Tuấn Anh là người đã được Bộ Quốc phòng cử đi đào tạo tại Liên Xô... thì Cơ quan Tùy viên Quốc phòng và Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã lập tức đứng ra chịu trách nhiệm làm mọi thủ tục để trong thời gian sớm nhất giải quyết sự việc này như nguyện vọng của người thân trong gia đình anh.
Đại tá Nguyễn Vân Hải, Tham tán, Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Nga cho biết: “Khi nhận được thông tin như vậy thì chúng tôi xác định, thứ nhất, Tuấn Anh cũng là một đồng chí, đồng đội cũ; thứ hai, Cơ quan Tùy viên Quốc phòng cũng là một bộ phận của Đại sứ quán cho nên cũng có trách nhiệm bảo hộ công dân Việt Nam, vì vậy anh em rất quyết tâm để làm nhanh. Và Cơ quan giao cho Đại tá Hoàng Công Trang trực tiếp giải quyết việc này. Đồng thời chúng tôi cũng báo cáo với Đại sứ và Đại sứ cũng rất nhiệt tình chỉ đạo các cơ quan chức năng (phòng Lãnh sự) phối hợp với Cơ quan Tùy viên sớm giải quyết trường hợp này. Bên cạnh đó, liên quan đến Sở Di trú Nga thì chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của anh Kiên để Sở Di trú giải quyết thủ tục cho Tuấn Anh”.
Vâng, với rất nhiều tấm lòng, tình cảm, với rất nhiều con người có tinh thần trách nhiệm và tính cộng đồng cao, chỉ đúng 1 tháng 6 ngày sau, một người con lưu lạc hơn 20 năm không tự tìm được đường về, cuối chiều 5/5 đã cùng người em trai rời Nga trở về quê hương.
Trả lời câu hỏi về những dự định gặp ai, ăn gì trước tiên khi về đến nhà, Tuấn Anh nói: “ Tôi muốn gặp bố đầu tiên. Ở nhà có gì thì tôi ăn nấy. Hồi trước ở nhà tôi hay được ăn cua bể”.
Vâng, hẳn là những bữa cơm gia đình đầm ấm, tấm lòng của người cha, người mẹ thân thương đã khơi dậy trong anh khung cảnh đầm ấm gia đình mà anh sắp được gặp lại.
Còn người em trai của Tuấn Anh, trước giờ máy bay cất cánh, anh Triều đã chia sẻ niềm tri ân: “Hôm nay, em xin đại diện gia đình chân thành cảm ơn các anh Tùy viên Quốc phòng bên này và chân thành cám ơn bà con ở chợ Việt, chị Tạ Thị Đông và bà con ở Upha đã điện thoại hỏi thăm, động viên gia đình em. Bạn bè cấp 3 của anh Tuấn Anh và đại học cũng giúp đỡ anh rất nhiều. Hôm nay, gia đình em rất toại nguyện. Em chỉ nghĩ là, 28 năm rồi, anh ấy ở nước Nga, thành bại cũng là số phận của anh ấy, nhưng bánh mỳ anh ăn cũng của người Nga, nước uống cũng của người Nga, ốm đau cũng người Nga chăm sóc... nên em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến nước Nga, đến các bác sỹ đã cưu mang anh trai em”.
Anh Triều cũng khẳng định rằng, ngày 6/5, sau khi đã trở về nhà, anh sẽ thay mặt gia đình viết thư gửi tới những người bác sỹ Nga nhân hậu đã cưu mang, chăm sóc anh Tuấn Anh mà lâu nay họ vẫn xác định sẽ chăm nuôi Tuấn Anh cho đến khi tìm được gia đình của anh./.