2 năm 3 vụ cháy chợ, cháy Trung tâm thương mại ở thành phố Kazan –LB Nga, khiến không ít gia đình các tiểu thương đa sắc tộc kinh doanh tại đây, trong đó có nhiều người Việt, rơi vào những hoàn cảnh vô cùng khốn khó.
Hiện nay bà con đã phải “tứ tán” khắp nơi và tình hình mà chúng tôi nắm được cũng thật đáng buồn: Cho đến nay, ai may mắn còn chút vốn liếng hoặc có nhiều người thân, bạn bè hỗ trợ thì gắng gượng tìm nơi mới mở hàng kinh doanh... Nhưng nhiều người gần như không còn có thể làm gì được nữa khi trước đó đã là vay nợ, là chung vốn làm ăn giữa những người cùng cảnh ngộ.
Giờ đây với họ, khó khăn không thể tả bằng gì chính xác hơn là hai chữ “cùng đường”. Họ đã đành phải tính đến nước trở về Việt Nam, nhưng đến tiền mua vé về nước cũng không phải ai cũng sẵn có, rồi còn thủ tục giấy tờ... vì không ít người trong số họ hoặc còn thiếu giấy tờ hợp pháp, hoặc bị mất, bị cháy khi hỏa hoạn xảy ra.
Ông Dương Tuân Tư, đại diện cho người Việt tại chợ Admiral là người bị thiệt hại khá nặng nề sau những mất mát do hỏa hoạn, dẫn chúng tôi đi gặp lại những người từng kinh doanh ở Admiral giờ đang buôn bán ở những nơi khác như Novaia Tura (bị cháy hồi tháng 5/2013), chợ mới của Công ty Vitarus (bị cháy hồi tháng 10 năm ngoái) và nhiều khu chợ nhỏ lẻ khác trong và ngoài thành phố Kazan.
Ông cho biết, có những người đã hứng chịu cả 3 vụ hỏa hoạn lớn ở Kazan, có người 2 vụ, vì cứ cháy chuyển đến chỗ mới lại... cháy nên gần như kiệt quệ về vốn liếng, tinh thần. Đã thế, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, sức mua giảm nên hàng hóa khó bán, bà con ở đâu chúng tôi gặp cũng “thở dài” với câu trả lời là “chẳng có khách”. Hàng bán chậm vì ế khách đồng nghĩa với việc cơ hội để những bà con tiểu thương gặp hoạn nạn “gỡ gạc lại” những gì đã mất hoặc chí ít là vực dậy cuộc sống đang rất khó khăn hiện nay càng trở nên xa vời.
Chị Đỗ Thị Nhung, sinh sống, làm ăn ở Nga và Kazan đã ngót 30 năm nay, nhưng cũng không phải là giàu có, vậy mà liên tục trong vòng 5 tháng vừa qua đã chịu thiệt hại nặng nề bởi hai lần cháy chợ chị đều đang kinh doanh ở đó. Để chị sớm ổn định cuộc sống, anh chị em, bạn bè cũng “xúm vào” giúp chị ít vốn thuê lại một gian hàng bán. Nhưng khó khăn không thể vì thế mà sớm qua đi.
Chị cho biết: “Sau khi cháy chợ thì cũng về đây, mua lại gian này bán, nhưng chợ hồi này cũng kém lắm, chẳng có khách. Trước mắt tạm thời đi chợ đã, xem tình hình thế nào, khó khăn quá thì phải về nước thôi”.
Cũng như chị Nhung, nhiều bà con khác như chị Bích Ngọc, anh Bá Lợi, chị Yến, chị Nguyệt... đều đang hoặc tạm ngừng để tìm lại chỗ bán hàng hoặc tạm mở hàng bán ở mức nhỏ để “cầm cự”.
Bà Đào Thị Côi, người nổi tiếng ở Kazan nói riêng, cộng đồng Việt Nam ở LB Nga nói chung, bởi những cách làm ăn táo bạo và có không ít thành công trên thương trường nước Nga suốt vài ba chục năm qua cũng đang phải lao đao vì vụ hỏa hoạn lớn xảy ra hồi tháng 10 năm ngoái thiêu rụi khu chợ do Công ty Vitarus của bà gây dựng nên. Hiện bà đang đầu tư, xây dựng lại với số vốn ban đầu đã lên tới 18 triệu rúp, nhưng khó khăn vẫn đang chồng chất vì những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau.
Hỏi bà nhận định thế nào về tương lai, bà Côi buồn bã nói: “Bây giờ thật khó định được tương lai, bởi sau khi cháy thì lại gặp khủng hoảng kinh tế của nước Nga cho nên đồng bào mình cũng khó trước, khó sau. Tôi luôn phải nói với anh em mình rằng đây là đang cầm cự bởi buôn bán quả thực giờ là quá khó khăn. Nhưng dù sao thì cộng đồng mình ở đây cũng có tính tổ chức cao, giúp đỡ lẫn nhau. Đến giờ phút này tính ra cũng chưa có ai định bỏ cuộc mà về”.
Đúng như bà Côi nói, chính sự đùm bọc nhau, hỗ trợ nhau vào lúc hoạn nạn, khó khăn nhất trong cộng đồng bà con ở đây mà nhiều người đang quyết tâm “bám trụ” để lại một lần nữa gắng sức gây dựng. Và lúc này sự hỗ trợ kịp thời từ cộng đồng cũng là hết sức quý báu.
Chính quyền địa phương, thành phố Kazan đã ra chính sách hỗ trợ cấp giấy tờ cho những người bị mất, hỗ trợ chỗ bán hàng ở những nơi mới và trong tương lai khi một trung tâm thương mại thay thế Admiral được xây dựng, thì những người từng kinh doanh ở chợ này sẽ lại được nhận chỗ bán hàng mà không phải mua mới. Nhiều khu chợ hiện đã tồn tại ở Kazan cũng ra chính sách hỗ trợ các tiểu thương bị nạn rất cụ thể.
Ông Genadi Moltranov, chủ của khu chợ Novaia Tura, nơi từng bị cháy một lần vào tháng 5/2013, vốn trước đây đã có khá nhiều người Việt đang kinh doanh và nay một số sau khi cháy chợ Admiral đã về đây, cho biết: “Sau khi cháy Trung tâm Thương mại Admiral mà ai cũng đã biết, chúng tôi cũng dành một khu vực hỗ trợ bà con kinh doanh người Việt với hình thức miễn giảm tối đa tiền thuê chỗ và không thu thuế 2 tháng đầu để bà con có thể ổn định lại công việc của mình”.
Với tất cả những nỗ lực của từng cá nhân, với sự hỗ trợ kịp thời từ phía chính quyền địa phương và cả những hoạt động cứu trợ khẩn cấp mà phong trào từ thiện hưởng ứng lời phát động của Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga thời gian qua cũng như vẫn đang diễn ra, hy vọng trong thời gian không xa, những người bà con ở vùng đất Kazan vốn là thanh bình và khá ưu ái người dân đa sắc tộc này sẽ ổn định lại được cuộc sống của mình và tiếp tục phát triển./.