Với chủ đề “Cửa sổ nhìn vào Việt Nam”, chương trình kéo dài gần 3 giờ, giới thiệu nhiều tiết mục biểu diễn văn nghệ, thời trang và những màn trình diễn ẩm thực mang đậm màu sắc Việt Nam.

ai_cap1_copy_zikr.jpg
Biểu diễn dân ca quan họ Bắc Ninh.

Mở đầu chương trình, Đài truyền hình Ai Cập thực hiện cuộc phỏng vấn trực tiếp Đại sức đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ai Cập Đỗ Hoàng Long về lịch sử quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ai Cập, cùng một số nét giới thiệu cơ bản về đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam. 

Phóng vấn Đại sứ Đỗ Hoàng Long.

Tiếp đến, chương trình giới thiệu hàng chục tiết mục văn nghệ và trình diễn thời trang dân tộc mang đậm màu sắc văn hóa Việt Nam như hát dân ca quan họ Bắc Ninh, các ca khúc ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, múa nón lá Việt Nam, múa sạp, trình diễn áo dài, áo tứ thân và khăn xếp áo the Việt Nam….

Tất cả các tiết mục đều do các “nghệ sỹ nghiệp dư” là các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan, lưu sinh viên và con em người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Ai Cập, thực hiện. 

Biểu diễn múa Sạp.

Ngoài ra, chương trình còn dành thời lượng dài giới thiệu về ẩm thực Việt Nam, như cách làm món phở, món nem cuốn, café Việt Nam. Các màn giới thiệu ẩm thực đặc biệt này cũng do chính các đầu bếp không chuyên là các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập và các cơ quan bên cạnh, thực hiện. 

Đan xen giữa các tiết mục biểu diễn văn nghệ và trình diễn ẩm thực là một loạt các cuộc phỏng vấn với đại diện người Việt Nam đang làm ăn sinh sống tại Ai Cập, doanh nhân Ai Cập có quan hệ làm ăn lâu năm với Việt Nam và đặc biệt là cuộc phỏng vấn nữ nghệ sỹ Monab Mai, người đã thực hiện thành công dự án mang múa rối nước Việt Nam lần đầu tiên đến với công chúng Ai Cập hồi tháng 5 vừa qua. 

Trình diễn trang phục truyền thống Việt Nam.

 “Cửa sổ nhìn vào Việt Nam” là chương trình truyền hình trực tiếp đầu tiên về Việt Nam của một kênh truyền hình Nhà nước Ai Cập.

Đánh giá về ý nghĩa của sự kiện đặc biệt này, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Đỗ Hoàng Long cho biết: “Tôi cho rằng đây là một sự kiện rất có ý nghĩa vì Ai Cập và Việt Nam là hai đất nước ở hai châu lục khác nhau, xa xôi về mặt địa lý, do đó các thông tin về Việt Nam đối với công chúng Ai Cập còn chưa được nhiều. Vì vậy, sự kiện này sẽ là một dịp tốt để truyền tải đến công chúng Ai Cập về lịch sử, đất nước và con người Việt Nam”.

“Tôi cũng cho rằng, văn hóa là một cầu nối rất là quan trọng để kết nối hai nước và nhân dân hai nước đến gần nhau hơn và qua đó sẽ có tác dụng thúc đẩy tốt hơn đến các lĩnh vực hợp tác khác như kinh tế, thương mại, đầu tư và cả quan hệ chính trị giữa hai nước”, Đại sứ Đỗ Hoàng Long nhấn mạnh./.