Công ty TNHH Một thành viên Du lịch – Thương mại Kiên Giang là một trong những công ty xuất khẩu gạo mạnh của tỉnh Kiên Giang. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã ký hợp đồng được hơn 120.000 tấn gạo xuất đi các thị trường trên thế giới. Năm 2012, công ty đã mua tạm trữ 24.000 tấn gạo theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời xúc tiến ký kết xuất khẩu gạo thơm sang 2 thị trường mới mở là Trung Quốc và Hongkong.
Tuy nhiên năm nay, Công ty không ký được hợp đồng nào để xuất khẩu gạo thơm. Nông dân trồng những giống lúa thơm cao sản ở Kiên Giang cũng như ĐBSCL trong vụ đông xuân này rất khó tiêu thụ do không có đầu ra. Tình hình xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm nay gặp nhiều khó khăn, làm cho cả doanh nghiệp và nông dân đều khốn khó. Trong vụ đông xuân này, công ty đã hoàn thành rất sớm chỉ tiêu thu mua 21.000 tấn gạo tạm trữ theo chủ trương của Chính phủ.
Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Linh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên du lịch – thương mại Kiên Giang về những khó khăn trong xuất khẩu gạo hiện nay.
PV: Thưa ông, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2012 là năm có lượng xuất khẩu gạo cao nhất từ trước đến nay. Vậy những tháng đầu năm 2013 tình hình xuất khẩu của công ty như thế nào, có thuận lợi không?
Ông Nguyễn Hùng Linh: Nói chung, xuất khẩu gạo năm 2012 về lượng tăng. Theo tổng kết của Hiệp hội, so với năm trước tăng 8,29%, 2011 là 7,1 triệu tấn, năm 2012 là 7,72 triệu tấn. Năm 2013, các doanh nghiệp hiện nay đang khó khăn nhất là về giá. Giá đầu năm cạnh tranh và sụt giảm, mặt bằng giá so với năm 211 sụt mấy chục USD/tấn. Các doanh nghiệp xuất khẩu về lượng thì có nhưng lợi nhuận không có. Do đó đầu năm 2013 các doanh nghiệp khó về hiệu quả trong xuất khẩu.
Đầu năm đến nay, công ty có hợp đồng đi thị trường châu Á cũng có, châu Phi cũng có. Tổng hợp đồng đi trong tháng 1 là 40.000 tấn, trong đó có nhiều hợp đồng đi nhiều thị trường. Trừ chi phí rồi, giá không có hiệu quả.
PV: Năm 2013 dự báo tình hình cạnh tranh xuất khẩu gạo rất gay gắt. Vậy các công ty xuất khẩu gạo, trong đó có công ty của ông định hướng thế nào trong lĩnh vực xuất khẩu gạo?
Ông Nguyễn Hùng Linh: Năm nay, hợp đồng xuất khẩu gạo với Hiệp hội giảm. Hằng năm, đầu quý I hợp đồng tập trung từ 1,5 - 2 triệu tấn. Nhưng năm 2013, hợp đồng tập trung chỉ khoảng 400.000 tấn. Về hợp đồng thương mại, cuối năm 2012 chuyển qua của Hiệp hội báo khoảng 800.000 tấn, cộng lại các doanh nghịêp ký trong tháng 1 khoảng 200.000 tấn nữa là trên dưới khoảng 1 triệu tấn. Do đó hợp đồng so với cùng kỳ lượng xuất thấp. Riêng doanh nghiệp của tôi thì hợp đồng thương mại hằng năm không thấp đi, lượng ngang nhau.
PV: Năm nay xuất khẩu gạo không thuận lợi. Vậy kế hoạch thu mua lúa cho nông dân trong vụ đồng xuân này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hùng Linh: Về tập trung mua cho xuất khẩu, các doanh nghiệp của tỉnh bắt buộc phải mua, còn giá thì theo thị trường. Về cạnh trong xuất khẩu, hiện nay lo nhất là Ấn Độ vì quốc gia này trúng mùa và đang có sản lượng tồn rất lớn. Myanmar, Campuchia, Pakistan đang có sản lượng xuẩt khẩu tăng, giá cũng rất cạnh tranh. Bên cạnh đó, tồn kho của Thái Lan từ cuối năm 2012 là 13 triệu tấn, đồng thời họ đang vào mùa thu hoạch.
Xuất khẩu gạo năm 2013 của Việt Nam gặp rất khó khăn trong cạnh tranh, nhất là về giá. Do đó, về chính sách mua cho nông dân cần phải có ngay từ đầu để nông dân bán được giá cho tốt. Hiện nay, doanh nghiệp bán theo giá thị trường, giá thị trường cao thì bán cao, giá thấp thì báo giá thấp./.
PV: Xin cảm ơn ông!