Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng khá. Tính chung 11 tháng, xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt hơn 19 tỷ USD. Hiệp hội dệt may Việt Nam dự báo, xuất khẩu dệt may năm nay nhiều khả năng đạt tới 24,5 tỷ USD.
Ở các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngành dệt may Việt Nam giữ được đà tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này chứng tỏ, khả năng cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam ngày càng tăng lên.
Bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, xuất khẩu dệt may năm 2014 của Việt Nam nhiều khả năng đạt 24,5 tỷ USD, tăng trên 19% so với năm ngoái và là mức tăng lớn nhất trong 3 năm qua. Ngoài nỗ lực của toàn ngành trong việc định hướng chiến lược sản xuất, chọn lựa thị trường ngách để phát triển, việc Chính phủ đàm phán các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương là một trong những yếu tố khách quan thúc đẩy sự tăng trưởng của dệt may trong những năm qua. Đây chính là sức hút để các đơn đặt hàng từ các quốc gia khác chuyển dịch về Việt Nam.
Bà Đặng Phương Dung nói: “Dự kiến năm nay đạt kim ngạch xuất khẩu 24 – 24,5 tỷ USD. So với quy hoạch mà Bộ Công Thương phê duyệt, ngành dệt may về trước đích 24 tỷ USD trong năm 2015. Có thể thấy việc Chính phủ đàm phán TPP, Hiệp định FTA Việt Nam – EU, Việt Nam – liên minh thuế quan…giúp cho làn sóng đầu tư nước ngoài vào dệt may vào Việt Nam tăng lên và cũng tăng nội lực ngành dệt may. Khi các hiệp định này được ký kết, ngành dệt may sẽ tận dụng được các lợi ích từ các hiệp định này mang lại”.
Hiện nay, theo định hướng chung của ngành là không phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất từ Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang hướng sang nguồn cung khác từ khối các nước ASEAN và đặc biệt là Ấn Độ.
Bên cạnh việc xúc tiến thương mại từ cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Ấn Độ, ngày càng nhiều các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp Ấn Độ trong lĩnh vực dệt nhuộm hoàn tất./.