Tổng Công ty May 10 vừa được vinh danh trong top 10 “doanh nghiệp tiêu biểu toàn diện ngành may” thuộc giải các “doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may lần thứ VIII”. Danh hiệu này nhằm tôn vinh những doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Phóng viên VOV online phỏng vấn ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, về những bài học kinh nghiệm thành công của công ty nói riêng và ngành dệt may nói chung.

Thu nhập người lao động tăng 15%

PV: Được bầu chọn là 1 trong 10 doanh nghiệp tiêu biểu toàn diện ngành May Việt Nam, xin ông chia sẻ kinh nghiệm thành công của May 10?

Ông Thân Đức Việt: Chúng tôi rất vinh dự được nhận danh hiệu này. Phần thưởng này phản ánh những nỗ lực làm việc của 10.000 nhân viên của Tổng Công ty tại 7 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Có được thành quả này, May 10 đã trải qua chặng đường nhiều khó khăn. Từ năm 2008 đến năm 2013, đặc biệt là năm 2013, có rất nhiều khó khăn về thị trường đối với các doanh nghiệp nói chung và Tổng công ty May 10 nói riêng. Các doanh nghiệp phải đối mặt với giảm sức mua của người tiêu dùng và thị trường xuất khẩu cũng giảm lượng đặt hàng. Tuy nhiên, với thương hiệu May 10 đã tạo dựng nhiều năm qua, tập thể cán bộ, công nhân viên May 10 luôn biết cách và có chiến lược để vượt qua khủng hoảng của nền kinh tế.

may-10-anh-luu-niem.jpg
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chụp ảnh lưu niệm cùng các đơn vị đạt giải

Chính vì vậy, năm qua, dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp thực sự bị khó khăn hoặc bị phá sản thì May 10 vẫn đạt mức tăng trưởng mạnh, với doanh thu tăng 20% so với năm 2012. Tổng doanh thu của May 10 năm 2013 đạt 1.816 tỷ đồng so với con số 1.500 tỷ đồng năm 2012. Thu nhập bình quân của người lao động cũng tăng trưởng bình quân trên 15% trong năm 2013.

Với kết quả đó, kinh nghiệm riêng của May 10 là luôn giữ tín nhiệm để người tiêu dùng tin dùng sản phẩm thông qua hệ thống gần 200 cửa hàng và đại lý trên toàn quốc.

Đối với thị trường xuất khẩu, May 10 vẫn duy trì mức độ tăng trưởng lớn đối với các thị trường: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Điển hình năm 2013, dù thị trường châu Âu có nhiều khó khăn, nhưng với thương hiệu là một trong các nhà sản xuất thời trang hàng đầu của Việt Nam, May 10 vẫn giữ được thị trường châu Âu và còn tăng xuất khẩu vào Mỹ. Nhờ đó, không những bù đắp sự giảm sút của thị trường châu Âu mà còn tăng trưởng ở thị trường Mỹ.

May 10 cũng đã đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Đài Loan và Hàn Quốc. Đây là hai thị trường mới. Song, thị trường Hàn Quốc đã tăng trưởng trên 40% so với cùng kỳ của năm 2012. Nhìn chung, khoảng 80% sản phẩm của May 10 xuất khẩu vào các thị trường: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc)…

Trọng nhân lực và thương hiệu để thành công

PV: Như ông vừa nói, thương hiệu May 10 là yếu tố quan trọng giúp công ty vượt khó và gặt hái thành công. Vậy thương hiệu đóng vai trò như thế nào đối với sự phát triển doanh nghiệp? Để giữ vững và phát huy sức mạnh của thương hiệu, bí quyết của May 10 là gì, thưa ông?

Ông Thân Đức Việt: Khái niệm về “thương hiệu”, các doanh nghiệp nước ngoài họ đã chú trọng từ rất lâu. Với May 10, từ năm 1992 đã ý thức được việc phát triển thương hiệu không chỉ cho thị trường xuất khẩu. Ngay từ thời điểm đó, Ban lãnh đạo của Tổng công ty đã quyết định xây dựng những cửa hàng kinh doanh sản phẩm thời trang cho thị trường nội địa đầu tiên bên cạnh thành công của lĩnh vực xuất khẩu trong thời kỳ đó.

Cá nhân tôi suy nghĩ, thương hiệu cuối cùng chỉ là một cái tên của một công ty hay tên của một nhãn hiệu của công ty đó trong lòng người tiêu dùng. Cái tên đó đánh giá được sự sống còn của doanh nghiệp.  May 10 cũng giống như các thương hiệu khác, việc xây dựng được thương hiệu đã khó nhưng duy trì và phát triển, bảo vệ nó lại càng khó hơn rất nhiều, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế.

Vì vậy, việc xây dựng và phát triển thương hiệu là May 10 luôn ý thức rằng: Một là, làm ngành kinh doanh thời trang phải luôn tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đảm bảo xu hướng thời trang cũng như nhu cầu về thời trang của người tiêu dùng. Hai là, sản phẩm phải tạo được chất lượng và thân thiện với người sử dụng. Ba là, giá cả phải phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.

3 yếu tố đó, các thế hệ lãnh đạo của May 10 đã xây dựng và thế hệ trẻ đang duy trì, giữ vững thương hiệu của May 10. Điển hình trong năm 2013, xuất khẩu tương đối ổn định và thị trường trong nước, dù sức mua sụt giảm nghiêm trọng, nhưng doanh thu nội địa của May 10 vẫn tăng trưởng 7% so với năm 2012.

PV: Theo ông, lợi thế cạnh tranh lớn nhất của May 10 là gì?

Ông Thân Đức Việt:May 10 có lợi thế được thành lập sớm, từ năm 1946. Gần 70 năm qua, May 10 luôn đạt được tốc tăng trưởng bình quân từ 15 – 20%/năm. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, May 10 không những đứng vững mà còn tăng trưởng 20%.

Hơn nữa, May 10 luôn có giải pháp kinh doanh thức thời và rất thành công trong việc đầu tư vào nguồn nhân lực. Điển hình là chúng tôi không chỉ đào tạo cán bộ công nhân viên có tay nghề, quản lý có trình độ, có kiến thức sâu rộng về thị trường mà chúng tôi còn luôn chăm lo đời sống của người lao động.

Bí quyết lớn nhất của May 10 là luôn luôn tập trung vào nguồn nhân lực thông qua đào tạo và chăm lo đời sống người lao động. Chính người lao động mới làm nên những thành công của doanh nghiệp.

Từ đầu năm 2014, May 10 đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II/2014. Trong 2 tháng đầu năm, May 10 đã đạt tổng doanh thu tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ của năm 2013. Đây là một trong tín hiệu đáng mừng, vì ngành này quý I thường là quý có doanh thu và lượng đặt hàng ít so với các quý còn lại trong năm./.